DIỄN ĐÀN GĐPT CẢNH LONG
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

BẬC TRUNG THIỆN

Go down

BẬC TRUNG THIỆN Empty BẬC TRUNG THIỆN

Bài gửi  haquangto Mon Jan 18, 2010 8:44 pm

bài 1: Đức Phật Di Lặc

I. Thân Thế Ngài:

Ngài người dòng Bà La Môn ở Nam Thiên Trúc. Cha mẹ tên là Ba Bà Lợi. Ngài họ A Dật Đa, tên Di Lặc.

II. Ý Nghĩa Tên Ngài:

A Dật Đa dịch là Vô Năng Thắng, có nghĩa là sự tu hành và lòng từ bi ngài không ai sánh kịp. Di Lặc dịch là Từ-thị. Trước kia mẹ ngài là một người tâm địa không tốt, nhưng sau khi thọ thai ngài thì tâm trở nên hiền từ. Vả lại trong kiếp trước ngài đã từng tu phép tu tâm tam muội, Ngài tu pháp ấy đến khi thành Phật, nên gọi Ngài là Từ-thị.

III. Tiền Thân Của Ngài:

Trong một kiếp trước đời Đức Phật Đại Thông Trí Thắng, Ngài cùng Đức Phật Thích Ca đồng thời phát Bồ Đề tâm tu các pháp lành. Đến đời Đức Phật Nhựt Nguyệt Đăng, Ngài cũng xuất gia tu hành. Ngài có lòng Từ Bi, nhưng thiếu hạnh Tinh Tấn, nên khi Đức Phật Thích Ca thành Phật Ngài mới lên địa vị Bồ Tát Bổ Xứ, nghĩa là sẽ thành Phật trong một đời sau. Ngài được Đức Phật Thích Ca thọ ký sẽ thành Phật Di Lặc sau này tại Long Hoa Hội.

Hạnh Tu : Ngài tu theo pháp Duy Thức, không chấp vào danh tướng giả hợp, chỉ tin vào nhân duyên giả hợp mà phát sanh.

Hạnh Nguyện: Hiện nay Ngài ở cung trời Đâu Suất Nội Viện thuyết pháp độ chúng sanh. Nhờ hạnh nguyện rộng lớn của Ngài nên những ai sanh lên cung trời Đâu Suất Nội Viện thì không còn thoái đọa. Đến khi nhân loại sống đến tám vạn tuổi, ngài mới hiện sanh và thành Phật dưới cây Long Hoa.

Một Hóa Thân Của Ngài: Ngài hiện thân làm vị Hòa Thượng tại đất Minh Châu huyện Phụng Hóa và lấy tên là Khê Tử. Mình Ngài rất to lớn, tánh tình hoan hỷ, nói năng khác thường, ngủ nghỉ không chọn sang hèn. Ngài thường mang túi vải đi khất thực, đem về nuôi trẻ con. Người ta thường gọi Ngài là Bố Đại Hòa Thượng (Hòa Thượng mang túi vải). Trước khi qua đời, Ngài có để lại bài kệ rằng:

"Di Lặc thiệt là ta
Phân thân như hằng sa
Thường hiện làm thường dân,
Mắt phàm không thấy ta".

IV. Biểu Tướng Và Lòng Quy Ngưỡng Của Phật Tử:

Hiện nay các chùa đều thờ tượng Ngài bên phía tay phải của Đức Phật Thích Ca. Rất nhiều nơi tạc hình Ngài thân thể to lớn, mặt mày vui vẻ, lại có sáu đứa con nít leo trên mình. Sáu đứa con nít biểu hiệu cho sáu thức (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý) luôn luôn khuấy phá Ngài. Nhưng vì Ngài đã tu phép Duy Thức nên Ngài vẫn luôn luôn tự tại.

V. Niệm Danh Hiệu Ngài:

Niệm danh hiệu hoan hỷ, vui tươi.
Cầu mong được Ngài hóa độ.

Mong được dự Hội Long Hoa để được Ngài Giáo Hóa.


bài 2: Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát



I. Ý Nghĩa Tên Ngài:

Văn Thù: Diệu
Sư Lợi : Cát tường, đức, trí tuệ không ai bằng.



II. Hành Tướng và Địa Vị Ngài:

1. Ngài là một vị Phật hiện thân làm vị Tỳ-Kheo (Thầy) theo giúp Đức Phật Thích Ca giáo hóa.

2. Ngài thường đứng bên tay trái của Đức Phật Thích Ca, đối diện với Ngài Phổ Hiền. Ngài được tôn xưng là Trí Huệ đệ nhất trong giới Bồ Tát.



III. Ngài là Thầy của các Đức Phật:

Nghĩa là các Đức Phật thành Phật đều nhờ vào trí tuệ mà thành cho nên gọi trí tuệ của ngài như một biểu hiệu của thầy của các Đức Phật.



IV. Biểu Tướng của Ngài:

- Trên đầu có năm nhục kế thể hiện cho 5 tướng hay 5 đức của Phật.
- Tay mặt Ngài cầm kiếm thể hiện cho sự cắt đứt phiền não.
- Tay trái cầm hoa sen, thể hiện cho trí tuệ thanh tịnh, không nhiễm trước. Chứng nhập vào chỗ vô tướng, thể hiện trí kim cang uốn dẹp tất cả phiền não.
- Ngài cỡi sư tử xanh. Sư tử là chúa của loài thú, ý nói trí tuệ sắt bén của Ngài chiếu sáng khắp mọi nơi.
- Ngài cầm hoa sen xanh. Màu xanh là màu của phương Đông, hướng mặt trời mọc, ý nói ánh sáng trí tuệ chiếu tan sương mù của đêm tối.



V. Tiền Thân Của Ngài:

Trong Kinh Pháp Hoa có chép: Trước khi Đức Phật Nhật-Nguyệt-Đăng-Minh thành Phật, Ngài là một ông vua có 8 người con, sau Ngài xuất gia tu hành và chứng quả thành Phật. Sau khi Ngài nhập Niết Bàn, 8 người con đều phát tâm xuất gia, nhận Ngài Bồ Tát Diệu Quang làm thầy và dần dần đều chứng được đạo quả. Người thành Phật sau cùng hiệu là Nhiên Đăng.

Như vậy ngài là thầy của Đức Phật Thích Ca. Ngài Bồ Tát Diệu Quang là tiền thân Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát.



VI. Một câu chuyện Trợ hóa của Ngài:

Ngài Văn Thù cầm kiếm hại Đức Phật.

Trong thời Đức Phật ra đời, có 500 vị La Hán chứng được Túc Mạng Thông, thấy tội lỗi của mình quá nhiều, liền sanh lòng chán nản. Ngài Văn Thù đứng hầu Đức Phật thấu rõ tâm ý các vị La Hán, liền cầm kiếm đến trước Đức Phật như muốn hại Ngài. Đức Phật thản nhiên nói rằng: "Ta đã chứng vô ngã vô pháp, không thấy ta còn bị sát, không thấy có người đến sát hại, làm sao người sát hại ta được". 500 vị La Hán hiểu ngay sự giả dối của pháp, sự không thật của tội ác nên chứng được Vô Sanh pháp nhẫn.



VII. Lòng quy ngưỡng của Phật tử và kết luận:

Tưởng nhớ đến trí huệ cùng tột của ngài
Hiểu trí huệ là trí cần thiết cho người Phật Tử
Đạo Phật là đạo của Trí Tuệ
Trí Huệ của Ngài Văn Thù Sư Lợi còn được gọi là mẹ của các Đức Phật.
Cầu sự giúp đỡ của Ngài để trí tuệ được sáng suốt.



bài 3: Lý nhân duyên sanh

I. Định nghĩa:

Nhân : Những gì có năng lực phát sanh. Yếu tố chính của sự phát sanh.
Duyên: Những sự giúp đỡ phụ thuộc cho nhân phát sanh.

II. Định lý Nhân Duyên:

Mọi vật hình thành do kết quả của sự tác dụng giữa nhân và duyên. Ví dụ: Cái bàn thì đưọc tạo thành do gỗ là yếu tố chính (Nhân) và công làm là yếu tố phụ (Duyên).

Ngôi chùa được tạo thành do gạch, xi-măng, gỗ, đinh v.v. là yếu tố chính (Nhân) và công xây cất là yếu tố phụ (Duyên).

III. Những đặc điểm của Lý Nhân Duyên:

Tất cả sự hiện hữu trong vũ trụ đều có thể giải thích trong Lý Nhân Duyên .

Lý Nhân Duyên chi phối tất cả: Tất cả các sự vật khác nhau (hình tướng, tánh tướng, thể tính, khí tính, v.v...) đều do nhiều Nhân-Duyên khác nhau mà hình thành. Không một vật gì hình thành ngoài sự hội hợp của Nhân Duyên.

Lý Nhân Duyên là một sự thật. Đức Phật chỉ là người nêu ra sự thật ấy.

IV. Áp dụng Lý Nhân Duyên vào đời sống hàng ngày:

Lý Nhân Duyên cho chúng ta rõ mọi sự vật đều do nhân duyên tụ hội mà thành. Khi nhân duyên thay đổi thì sự vật ấy cũng thay đổi; cho nên chúng ta đừng quá nâng chiều sự vật ấy vì một ngày nào đó nó cũng sẽ thay đổi khi nhân duyên tan rã. Không nên quá vui khi có nó và cũng đừng buồn khi mất nó. Đừng để sự vui buồn của chúng ta lệ thuộc vào những thứ tạm có đó.

Lý Nhân Duyên cho chúng ta rõ mọi vật khác nhau đều do nhiều nhân duyên khác nhau tạo thành. Không nên buồn khi gặp những gì mình không thích và cũng đừng quá vui khi gặp những gì vừa ý. Vì làm như thế, dù trước hay sau mình cũng phải có một lần buồn vì được nó hoặc mất nó.

Lý Nhân Duyên cho chúng ta hiểu rằng mình hãy bình thản sống với những gì mình có. Đừng vì đua đòi những thứ tạm có ấy để rồi làm khổ cuộc đời mình.

Lý Nhân Duyên cho chúng ta thấy rằng: Không có một vật gì tự nhiên mà có, và không một nhân nào có thể phát sanh khi không có những duyên phụ. Vì thế, con người và các sự vật có đều do nhiều nhân duyên tạo thành chứ không phải do một vị Thượng Đế nào sáng tạo ra.

Lý Nhân Duyên cũng cho chúng ta thấy rằng tương lai của chúng ta nằm trong tay chúng ta. Chúng ta muốn đẹp hay xấu, giàu hay nghèo, vui hay buồn đều do những nhân duyên tự bản thân ta tạo ra.

V. Kết Luận

Mọi sự vật hình thành khác nhau đều do nhiều nhân duyên khác nhau tụ hợp mà sanh ra.

Chính vì nhân duyên biến đổi không ngừng nên không có vật gì có thể tồn tại mãi mãi được. Hiểu được như vậy, chúng ta không nên quá vui hoặc quá buồn khi được nó cũng như khi mất nó. Trái lại, hiểu được như vậy sẽ giúp bản thân chúng ta sống an vui, hạnh phúc.



bài 4: Lý nhân quả

I. Định Nghĩa :

- Nhân: Nguyên nhân, năng lực phát động
- Quả: Kết quả, sự hình thành của năng lực phát động

II. Định Lý Nhân Quả:

Lý Nhân Quả là một định luật nêu rõ sự tương quan tương duyên giữa nhân và quả; có nhân duyên phối hợp tất có quả hình thành.

III. Những Đặc Điểm Về Lý Nhân Quả:

Nhân Quả Là Định Luật Hiện Thật: Đức Phật không phải là người sáng chế đạo lý Nhân Quả, Ngài chỉ là người đã giác ngộ sự tương quan, tương duyên giữa nguyên nhân và kết quả của sự vật. Đức Phật căn cứ trên đời sống thực tại để thuyết giảng Lý Nhân Quả cho chúng ta hiểu.

Nhân Quả Chi Phối Tất Cả: Sở dĩ mọi thứ trên đời khác nhau vì được cấu tạo bởi nghiệp nhân khác nhau. Vì thế định luật Nhân Quả chi phối tất cả sự vật. Định luật Nhân Quả không thiên vị, không bênh vực một ai. Không ai có thể phủ nhận hoặc sửa đổi định lý tất nhiên này.

Nhân Quả Là Một Định Luật Rất Phức Tạp: Lý Nhân Quả không phải giản-dị như chúng ta thường hiểu. Sự liên hệ, tương-quan, tương duyên, tương phản giữa nhân và quả thường tạo nên phức tạp và khó hiểu. Chính vì vậy, những ai chưa nhận rõ sự tương quan này thường khó nhận thức được sự chính xác của Lý Nhân Quả và gây nên những ngộ nhận.

IV. Sự Tương Quan Giữa Nhân Và Quả:

Đức Phật dùng đạo Lý Nhân Quả để giải thích sự tương quan tương duyên giữa nhân và quả. Sự tương quan nầy rất mật thiết, nhưng cũng rất phức tạp và khó nhận định.

Một Nhân Tự Nó Không Thể Sinh Ra Quả: Sự vật được hình thành giữa vũ-trụ nầy đều do sự tổng hợp của nhiều nhân duyên. Một nhân không thể nào tự nó phát sanh ra quả được. Ví dụ cây lúa không phải chỉ do hạt lúa tạo thành mà cần phải có các nhân khác giúp vào hạt lúa mới nảy mầm được như đất, nước, v.v...

Nhân Nào Quả Nấy: Nhân thế nào thì kết quả cũng như vậy chứ không bao giờ tương phản, mâu thuẩn nhau. Ví dụ người học đàn chỉ biết đàn, chứ không thể biết đánh trống.

Trong Nhân Có Quả, Trong Quả Có Nhân: Nhân, chính nó cũng là quả đồng thời của sự thuần thục của nhiều nhân duyên trước nó. Quả, chính nó cũng là nhân đồng thời cho sự phát sanh của quả khác. Ví dụ: Tốt nghiệp đại học là kết quả của nhiều năm tháng học hành nhưng sự tốt nghiệp đó cũng là nhân chính cho sự tìm kiếm việc làm, và ngược lại.

V. Sự Liên Hệ Giữa Nhân Và Quả Qua Thời Gian:

Nhân Quả Một Thời: Nhân quả nối liền nhau. Nghĩa là vừa tạo nhân, quả liền phát khởi. Như đánh chuông liền nghe tiếng. Quả theo liền với nhân, chứ không cần chờ đợi một thời gian mới thuần thục.

Nhân Quả Trong Hiện Tại: Tạo nhân đời này thì kết quả cũng trong đời này. Như trồng lúa thì chừng sáu tháng đã có lúa, không cần phải đợi một thời gian lâu xa.

Nhân Quả Trong Hai Đời: Nhân tạo đời trước, đời này mới có kết quả, nhân tạo đời này đến đời sau mới có kết quả; nghĩa là cần đợi một thời gian khá lâu quả mới thuần thục. Ví dụ, trong đời sống hiện tại biết bố thí cúng dường thì đời sau sẽ được giàu sang.

Nhân Quả Trong Nhiều Đời: Nhân tạo từ các đời trước đến đời này mới có kết quả. Nhân tạo trong đời này, đến nhiều đời sau mới có kết quả. Ví dụ, muốn thoát khỏi sanh tử luân hồi phải cần trải qua nhiều kiếp tu hành.

VI. Những Ví Dụ Về Lý Nhân Quả:

Nhân Quả Nơi Hiện Cảnh: Rừng rậm (Quả) là kết quả của nhiều cây hợp lại (Nhân).

Nhân Quả Nơi Tự Thân: Thân thể cường tráng (Quả) là do sự kết hợp đầy đủ của các tế bào (Nhân).

Nhân Quả Nơi Tự Tâm : Tánh tình tư tưởng và trí thức con người cũng chịu sự chi phối của định lý Nhân Quả. Làm điều độc ác thì trí tưởng thấp hèn, nghĩ điều lành thì tánh tình thuần thục. Học nhiều nhớ rộng thì kiến thức mở mang, thông thái uyên bác.

VII. Sự Ứng Dụng Lý Nhân Quả:

Lý Nhân Quả Làm Cho Chúng Ta Thấy Rõ Sự Thật: Khi đã hiểu rõ sự tương quan giữa nhân và quả, chúng ta có thể thấu hiểu thực trạng của sự vật đúng như sự thật, chứ không vọng tưởng sai lầm.

Không Tuân Theo Thuyết Thượng Đế Thần Quyền: Căn cứ vào định lý Nhân Quả, đạo Phật phủ nhận thuyết vũ trụ do một đấng Thượng-Đế sanh ra, và phủ nhận sự thưởng phạt do thượng đế ban bố. Vì thế, một Phật tử hiểu được Lý Nhân Quả không mê tín dị đoan, không ỷ lại thần thế và quyền hành của một ai.

Người Hiểu Nhân Quả Đặt lòng tin tưởng ở chính mình: Đã biết cuộc đời của mình do nghiệp nhân của chính mình tác thành, như thế thì tự mình là chúa tể và có đặc quyền cải tạo đời sống của mình hiện tại để trở thành trong đẹp thanh cao.

Người Tin Lý Nhân Quả Không Chán Nản, Không Trách Móc: Đã hiểu rõ tất cả hoàn cảnh hưởng thọ đều do chính mình gây ra, người hiểu nhân quả, dù gặp thất bại hay nghịch cảnh cũng không chán nản trách móc, chỉ lo tự cải tạo lấy nghiệp nhân bất thiện để được hưởng kết quả chân chánh thanh tịnh mà thôi.

Người Hiểu Lý Nhân Quả Chỉ Lo Tạo Nhân Lành Và Nghĩ Đến Kết Quả Trước Khi Hành Động: Đã hiểu rõ những sự hưởng thọ hiện tại đều do nghiệp nhân đã tạo ra trong quá khứ, nếu muốn được kết quả tốt đẹp, cần phải siêng năng tạo những hành động có lợi cho mình, cho người, cho chúng sanh, và đúng theo lời Phật dạy.

VIII. Kết Luận:

Lý Nhân Quả là một định lý tất nhiên, dựa vào Lý Nhân Quả chúng ta hiểu rằng: Mọi sự hưởng thọ dù tốt đẹp hay xấu xa của kiếp người ở hiện tại đều do nghiệp nhân đã làm trong quá khứ. Vì con người làm chủ chính mình, không ai có quyền can thiệp vào sự thưởng hay phạt của chính bản thân mình. Định Lý Nhân Quả giúp ta tin tưởng ở sự kết quả của những hành động mà chúng ta gây ra. Áp dụng Lý Nhân Quả vào cuộc sống sẽ giúp chúng ta trừ đi những bi quan, yếm thế, bất hạnh trong cuộc đời. Định Lý Nhân Quả của đạo Phật đem lại cho chúng ta một đức tính can đảm và chịu đựng, và mở rộng chân trời giải thoát giác ngộ cho mọi loài chúng sinh.


bài 5: Lý Luân Hồi

I. Lời nói đầu:

Con người do ai sinh ra? Sanh ra rồi để làm gì và sẽ đi về đâu? Những câu hỏi này thường làm nhân loại băn khoăn, thắc mắc.

Rất nhiều tôn giáo và triết học chủ nghĩa từ trước đến nay cũng đã tìm tòi và trình bày nhiều giả thuyết khác nhau nhưng hiện tại vẫn chưa thỏa mãn được tính hiếu kỳ của nhân loại. Vấn đề nhân sinh quan vẫn còn đè nặng trong trí óc của con người. Đạo Phật dùng đạo lý Luân Hồi để trả lời những câu hỏi trên và chỉ rõ địa vị con người trong đạo Phật như thế nào.

II. Những hiểu lầm về nhân sanh:

Những hiểu lầm về nhân sanh quan bao gồm bốn thứ kiến chấp:

Chấp đoạn: Cho rằng con người chỉ có với hiện tại, chỉ thực sự có trong mấy mươi năm sống và khi chết là hết, những kiến thức hiểu biết không còn.

Chấp thường: Có người cho rằng sau khi chết tuy thân thể tiêu tan nhưng vẫn có một linh hồn bất tử, linh hồn ấy sẽ được lên cõi thiên đàng và mãi mãi hưởng những an vui khoái lạc (nếu tạo nhân lành trong hiện tại), hay sẽ bị đọa vào cõi địa ngục chịu khổ mãi mãi (nếu tạo việc ác).

Chấp thân trước không can hệ đến thân sau: Có người cho rằng dầu thân này chết sanh ra thân sau, nhưng thân sau ấy không liên can gì với thân trước.

Chấp luân hồi theo luật tiến hóa: Có người cho rằng sự vật luân hồi theo luật tiến hóa.

III. Định Nghĩa Luân Hồi:

Luân : Bánh xe
Hồi : Quay tròn

Luân Hồi là sự thăng trầm mãi mãi của chúng sanh trong sáu cõi phàm, lúc sanh ra làm người, làm trời, làm ngạ quỷ, v.v...

IV. Sự Luân Hồi của mọi vật:

Lý luân hồi là một định luật chung của tất cả sự vật.

Thực vật: Như cây cam, do hột cây cam gieo xuống đất, mọc thành cây cam, và sanh ra trái có hột, đem hột ấy trồng thành cây cam; mãi mãi như vậy không bao giờ dừng nghỉ.

Mưa: Nước biển do khí nóng mặt trời bốc hơi lên, hơi gặp khí lạnh đọng lại thành mây, rồi rơi xuống thành mưa, nước mưa chảy ra biển, và bốc hơi lên; cứ tuần hành như vậy không bao giờ mất.

Sức nóng: Sức nóng chứa trong cây, tìm chẳng gặp, trông chẳng thấy, nhưng lấy hai cây cọ xát vào nhau một hồi lâu lại có lửa bật cháy. Lửa ấy đốt cây tạo thành thán khí, các cây khác hút lấy thán khí để chứa lại sức nóng như trước; cứ tuần tự như vậy thì lửa trong cây không bao giờ mất.



bài 6: Mười điều thiện

I. Định Nghĩa:

Mười điều thiện là mười việc lành gồm trong các phần. Về thân (thân nghiệp), về lời nói (khẩu nghiệp), về ý nghĩ (ý nghiệp), có tánh cách lợi mình, lợi người ở hiện tại và tương lai. Mười điều thiện này là căn bản làm người, và nấc thang đầu tiên để tiến đến Phật quả.

II. Mười điều thiện bao gồm 3 phần chính:

Thân Nghiệp: Những hành động liên quan về thân: Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm.

Khẩu Nghiệp: Những lời nói tốt lành có 4 cách: Không nói lời dối trá, không nói lời độc ác, không nói lời thêm bớt, không nói đâm thọc.

Ý Nghiệp: Những ý nghĩ sáng suốt gồm có: Không tham lam, không sân hận, không si mê.

III. Sự lợi ích tu mười điều thiện:

Nếu tu mười điều thiện sẽ được lợi ích như sau: Thân không tật bệnh, sống được lâu dài, không bị ác mộng, tiêu diệt những oán thù ngày trước, sau khi chết sanh lên cõi trời, hưởng các sự vui, được mọi người thương mến, không bị ai lường gạt, ở chỗ đông người không sanh lòng sợ hãi, tâm luôn luôn thanh tịnh, người đời kính phục, lời nói không bị sai lầm, trí huệ sáng suốt, bà con sum vầy, người dữ không hại, gặp nhiều bạn tốt, nói ra được nhiều người hưởng ứng, đầy đủ các vật quý báu, muốn gì đều được như ý, không bị người dèm chê, tướng tốt đẹp, không bị các tai họa, gặp lý tưởng chân chánh. Nếu đem công đức tu mười điều hồi hướng về đạo Bồ đề thì được thành tựu Phật quả.

IV. Sức mạnh mười điều thiện:

Sửa đổi bản thân: Tánh tình và trí thức của con người đều do nghiệp nhân chi phối. Sự thực hành mười điều thiện sẽ hoàn cải hoàn toàn tâm tánh, trí thức và sắc thân của mình. Ví dụ như không sát sanh mà lại phóng sanh thì tánh tình sẽ thành từ bi và trí tuệ sẽ sáng suốt.

Thay đổi hoàn cảnh: Mười điều thiện này sẽ hoàn cải mọi hoàn cảnh, ví dụ một người không bao giờ sân hận lại tu hành nhẫn nhục thì hoàn cảnh không có một sự oán thù chiến tranh giết hại nào, mà chỉ toàn là thiệt cảnh hoan hỷ, tương thân tương ái, vui vẻ thật sự và đùm bọc thương yêu.

Sanh vào cõi trời: Nếu thực hành mười điều thiện này thì mới sanh lên các cõi trời an vui, đẹp đẽ hơn hẳn cõi người. Nếu lên các cõi trời thì phước đức rất đầy đủ, sống thanh tịnh, sống lâu v.v...

Những điều căn bản để chứng Phật quả: Mười phương ba đời các vị hiền thánh thoát khỏi sanh tử, chứng quả vô thượng đều lấy mười điều thiện làm căn bản, vì mười điều thiện này có công năng ngăn chặn các hành vi độc ác, đối trị các điều không lành và làm ba nghiệp thanh tịnh. Khi ba nghiệp được thanh tịnh thì khỏi sanh tử, chứng quả niết bàn, và đem mười diều thiện này hồi hướng cho toàn thể chúng sanh, tức thành tựu được Phật quả.

V. Kết Luận:

Mười điều thiện cho chúng ta biết những việc làm rõ ràng thiết thực để chúng ta theo đó mà thi hành. Mười điều thiện này nêu rõ chỉ có việc làm mới có giá trị, chứ nói suông không có lợi ích gì. Mười điều thiện giúp chúng ta cải thiện đời sống của chúng ta và của mọi loài, làm cho xã hội trở thành thiện mỹ và nhất là hướng dẫn chúng ta đến Phật quả hoàn toàn.

Chúng ta cần phải thực hành, cần phải bắt tay vào việc làm và nhất là theo đúng mười điều thiện mà hành động. Có vậy chúng ta mới xứng đáng là một Phật tử chân chính và thấy tất cả sự lợi ích thiết thực của đạo Phật.



bài 7: An cư kiết hạ

I. Lời nói đầu:

An-cư kiết hạ là pháp tu hành của các vị xuất-gia trong ba tháng Hạ. Bắt đầu từ ngày Đản sinh của Đức Phật Thích Ca(15/4 âm lịch) cho đến ngày Lễ Vu Lan (15/7 âm lịch). Trong ba tháng ấy, Tăng chúng tập họp trong một ngôi chùa, trong một tòng-lâm hay ở một chỗ thanh vắng để chuyên lo tu học, không làm một việc gì ngoài sự tu học để tinh-tấn đạo nghiệp.

II. Nguyên nhân của pháp an-cư kiết hạ:

Mùa Hạ vì hay mưa gió nên cũng là mùa sanh sản các loại sâu bọ. Để khỏi dẫm đạp tàn hại các loài vi sanh trái hạnh từ-bi, trong ba tháng Hạ, các vị xuất-gia không đi ra ngoài.

Người xuất-gia là phải tu-hành, nhưng muốn tu-hành cần phải tìm chỗ an-tịnh, chuyên tu thiền quán mới mong có kết quả. Trong một năm để 9 tháng truyền bá chánh pháp, ba tháng còn lại hoàn toàn dành cho sự tu học.

An-cư kiết hạ còn có ý-nghĩa là tụ-hợp Tăng chúng ở chỗ thanh-tịnh để cùng nhau tu hành, kiểm điểm hành vi, cử chỉ, y theo luật Phật mà hành trì.

III. Ý nghĩa và lợi ích của an-cư kiết hạ:

Tôn trọng sự sống: Sự sống chỉ có một nên không thể xâm phạm sinh mạng của bất cứ loài nào, dù là của loài vi sinh. Đức Phật khuyến-khích an-cư là muốn Tăng chúng không dẫm đạp giết hại các loài vi-sanh sinh trưởng rất nhiều trong 3 tháng mùa hạ.

Thương tưởng đồ chúng: Vì thương tưởng đồ chúng, nên đức Phật chú trọng tăng trưởng phước đức trí-huệ cho đồ chúng bằng cách bắt buộc Tăng chúng mỗi năm

phải thanh-tịnh tu-hành trong 3 tháng; có vậy sự học mới tăng tiến.

Chú trọng thực hành và duy trì giới luật: Chỉ có sự thực hành mới thiết thực hiểu đạo và chứng đạo. Ba tháng an-cư kiết hạ là 3 tháng Tăng-chúng triệt để tuân theo những giới luật của đức Phật. Mọi cử chỉ và hành động phải đúng như lời Phật dạy.

IV. An cư kiết hạ là dịp thọ tuổi của chúng-tăng:

Người đời lấy năm sanh mà kể tuổi. Người xuất-gia trong đạo Phật lấy số kiết-hạ làm tuổi. Một người chưa kiết-hạ là xem như chưa sinh ra thì chưa có tuổi nào. Người kiết-hạ 2 lần thì được hai tuổi. Ngày rằm tháng bảy là ngày thọ tuổi của người xuất-gia, người nào tuổi đạo cao thì được tôn trọng, được ngôi thứ cao trong Tăng chúng, được làm Pháp-Sư, được nuôi dạy đồ chúng, được truyền giáo giới-pháp.

V. Kết luận:

Đức Phật dạy rằng bổn phận người xuất-gia là phải an-cư kiết-hạ mỗi năm một lần. Dù đến 60 tuổi cũng vẫn phải an-cư kiết-hạ. Lời dạy nầy nêu rõ đức Phật rất chú trọng đến sự thanh-tịnh tu-hành, sự hành trì giới luật một cách triệt để.



bài 8: Ngũ Uẩn

I. Con người là gì ?

Để trả lời câu hỏi này có rất nhiều cách, tùy theo cách nhìn của người trả lời:
- Con người là do ngũ uẩn hợp lại
- Con người là tập hợp của lục căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý)
- Con người là tập hợp của tứ đại (đất, nước, gió, lửa )
- Con người chính là do 12 nhân duyên.
- Con người là tập hợp của các bộ máy: hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa, thần kinh hệ v..v..

Bài học của chúng ta hôm nay nhằm trả lời câu hỏi trên theo cách thứ nhất.

II. Ngũ uẩn là gì ?

Ngũ= năm;
Uẩn= nhóm, kết hợp

Ngũ uẩn là năm nhóm kết hợp với nhau tạo thành cái mà ta gọi là con người. Đó là: Sắc uẩn, Thọ uẩn, Tưởng uẩn, Hành uẩn và Thức uẩn.

Sắc uẩn: đó chính là hình hài vật chất, là cơ thể (body). Sắc uẩn do 4 đại họp thành (đất= chất cứng như thịt, xương, răng, tóc v..v.. ; nước: chất lỏng như mồ hôi, nước mắt, nước bọt v..v..; gió: hơi thở vào, ra; lửa: hơi nóng, nhiệt độ của cơ thể).

Thọ uẩn: những cảm giác về thân và tâm, như đau, nhức, êm ái, ngứa, vui, buồn, v..v.. Có 3 loại thọ uẩn: lạc thọ (cảm giác vui sướng); khổ thọ (cảm giác đau khổ); xả thọ (cảm giác không vui sướng, không khổ đau).

Tưởng uẩn: khả năng ghi nhận, nhớ lại những hình ảnh, âm thanh, mùi vị, cảm giác v..v.. do thân và tâm đem lại. Ví dụ: nghe -----> nhớ -----> vui (giận, buồn).

Hành uẩn: những việc cố ý của thân, miệng và ý (ví dụ lời nói định nói mà chưa nói ra thì cũng đã thành khẩu hành rồi).

Thức uẩn: cái biết của 6 giác quan (nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức).

Nếu mắt nhìn mà không có mặt của nhãn thức thì tuy nhìn mà không thấy gì cả. Tuy tai chăm chú nhưng không có nhĩ thức thì cũng không nghe gì cả v.v...

Sắc uẩn là phần vật chất, 4 uẩn còn lại là phần tâm lý.

Mỗi cá nhân là sự phối hợp của năm uẩn ấy.

Năm uẩn không tồn tại độc lập mà thường kết hợp với nhau. Ví dụ: thọ đi liền theo tưởng và tưởng đi liền theo thọ (nghe chê thì buồn, khi hết nghe rồi mà nhớ lại tiếng chê cũng buồn v..v..).

Năm uẩn thay đổi luôn, cái này kết hợp với cái kia, không theo thứ tự nào, hiện ra rồi biến đi tạo ra một biển cảm giác gồm những hiện tượng tâm-vật-lý sanh diệt không ngừng nghỉ. Do vậy cái TA chỉ là một tiến trình luôn biến đổi chứ không phải là một thực thể trường tồn bất biến.

III. Bài học rút ra từ ngũ uẩn:

Tất cả chúng sanh đều là những hình thành kết hợp từ ngũ uẩn, mọi người đều giống nhau về vật chất (thân tứ đại) với sinh, già, bệnh, chết, và tinh thần (thọ tưởng, hành, thức) với ham vui sợ khổ, tham sống sợ chết. Vậy ta phải học để thực hành từ bi và hỷ xả; thương yêu chúng sanh như người thân của mình. Không làm cho người khác những gì mình không muốn người ta làm cho mình.

Con người với những ngũ uẩn rất vô thường. Có đó rồi mất đó (1 hơi thở ra không vào hay vào không ra là chết). Mặc dù vậy ta không chán nản hay than khóc cho số phận ngắn ngủi của con người, mà phải tinh tấn tu học, trau dồi lòng từ bi và trí tuệ, làm lợi mình lợi người để mỗi phút giây đều sống tỉnh thức và xứng đáng là đứa con ngoan của đức Thế Tôn.

Đức Phật dạy: Ngũ uẩn tụ, phiền não kết. Vậy, cố gắng tách rời 5 uẩn để được an lạc. Ví dụ: nghe chê thì buồn lúc đó thôi, đừng nhớ nghĩ để rồi cứ nhớ tới và mỗi lần nhớ là mỗi lần buồn lại.

Cố gắng giảm bớt sự kết tụ của 5 uẩn, ví dụ:
- Khi vui đừng hứa (để tránh những điều khó khăn sau này khi tỉnh táo lại).
- Khi giận đừng nói (để đừng biến mình thành mồi lửa sân hận).

Cố gắng tinh tấn ngồi thiền để theo dõi hơi thở, quán xét phản ứng của thân và tâm mình trước những cảm thọ và tập làm chậm lại những phản ứng ấy.

(Tài liệu tham khảo: Đức Phật & Phật Pháp + bài giảng của Sư Cô Trí Hải tại đạo tràng Tuệ Uyển)

Câu hỏi:

Ngũ uẩn là gì?

Định nghĩa: con người ngũ uẩn, sắc, thọ, tưởng, hành, thức; sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.

Tại sao nói: mắt là biển của người, tai là biển của người v..v.. Ai vượt qua được 6 biển lớn này chính là bậc đại nhân (đại nhân = con người cao thượng, cao quí).

Những bài học rút ra từ Ngũ Uẩn.

Tại sao nói: ngũ uẩn giai không (5 uẩn không có tự tánh)? [nhắc lại: trong bài tụng Kinh Tinh Yếu Bát Nhã Ba La Mật, chúng ta thường nghe: Bồ tát Quán Tự Tại khi quán chiếu thâm sâu Bát Nhã Ba La Mật bỗng soi thấy năm uẩn đều không có tự tánh. Thực chứng điều ấy xong Ngài vượt thoát tất cả mọi khổ đau ách nạn].



bài 9: LỊCH SỬ ĐẠO PHẬT Ở VIỆT-NAM
Từ Thời-Đại Du-Nhập Đến Đời Nhà Lý

I. Thời đại Phật Giáo du nhập:

Con Đường Phật Giáo Du Nhập Vào Việt Nam: Phật-giáo khởi điểm từ Ấn-Độ rồi truyền rộng ra các nước lân cận, do hai đường thủy và bộ. Về đường bộ thì qua miền Trung-Á như Tây-Tạng, Mông-Cổ, Trung-Hoa, rồi từ Trung-Hoa truyền qua các nước Cao-Ly, Nhật-Bản và Việt-Nam. Về đường thủy thì qua đảo Tích-Lan, Mã-Lai, Nam-Dương và Việt Nam.

Địa thế nước Việt-Nam: Nước Việt-Nam ta nằm giữa hai nước Ấn-Độ và Trung-Hoa nên cùng chịu ảnh-huởng văn minh của hai nước ấy. Ngoài ra về phương diện lịch-sử, nước Việt-Nam về thời bấy giờ hoàn toàn do người Tàu cai-trị; nên nước Việt-Nam chịu ảnh-hưởng văn-minh của Trung-Hoa nhiều hơn cả.

Thời đại du nhập: Những sử liệu về thời đại Phật giáo du nhập Việt-Nam gồm có:

Những thiên truyện ký của các Tăng sĩ Việt Nam viết từ thế kỷ Xlll và XlV có chép: Chính đời nhà Hán thế kỷ thứ 2 và thứ 3 đã có các đạo sĩ ở Bắc như Ngài Ma Ha Kỳ Vực (Marijivakạ), Khương Tăng Hội (K'ang Seng Houei) và Mâu Bác (Méou Pô).

Theo truyện Đàm Thuyên Pháp sư có chép: Vào thời Vua Cao Tổ nhà Tùy của Trung Hoa, Việt Nam đã có 20 ngọn bảo tháp và hơn 500 Tăng sĩ, dịch được hơn 15 bộ kinh rồi.

Theo sách Pháp Vụ Thực Lục: Vào thế kỷ thứ 3 một người Ấn Độ tên là Kaudra đã qua Việt Nam một lần với Ngài Ma Ha Kỳ Vực để truyền đạo.

Theo những sử liệu trên cho chúng ta rõ: Đạo Phật Việt Nam đã có từ đời nhà Hán bên Tàu vào cuối thế kỷ thứ 2 và đầu thế kỷ thứ 3 và những vị truyền giáo đầu tiên ở Việt Nam là Ngài Ma Ha Kỳ Vực, Khương Tăng Hội, Chi Cương Lương, và Mâu Bác. Trong số 4 vị nầy chỉ có Ngài Mâu Bác là người Tàu, còn 3 vị kia đều là người Ấn Độ. Ngài Mâu Bác là người truyền Phật giáo đầu tiên ở đất Giao Châu vào năm 189 sau Tây lịch. Vậy ta có thể kết luận rằng: Phật giáo du nhập ở nước Việt Nam vào khoảng cuối thế kỷ thứ II.

Các môn phái được du nhập: Những tôn phái được ưa chuộng hơn hết cả lúc bấy giờ là Thuyền Tôn (Tôn tu thuyền trực chỉ). Tôn phái nầy lại được truyền vào Việt Nam trước hết, do Ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi (Vinitaruci) truyền đến năm 580 và chính Ngài là Sư tổ Thuyền tôn Việt Nam, sau lại có Ngài Pháp Hiền Thuyền sư được kế truyền và thành lập một phái. Đến đời Đường năm 820, Ngài Vô Ngôn Thông ở Tàu sang truyền giáo, lập thành phái Thuyền Tôn thứ 2, rồi kế đến phái Thảo Đường, Tào Động, Lâm Tế lần lượt truyền đến Việt Nam. Như vậy, trước sau chỉ có phái Thuyền Tôn là gây ảnh hưởng mạnh hơn cả.

II. Phật giáo qua các triều đại:

1. Phật giáo đời hậu Lý Nam Đế (571- 602) và đời Bắc thuộc thứ ba (602-939): Từ khi Phật giáo truyền vào Việt Nam cho đến đời tiền Lý Nam Đế tính ra trên 300 năm (189 đến 544-548) nhưng vẫn còn nằm trong thời kỳ phôi thai, chưa có gì đáng gọi là thịnh hành lắm. Đến đời hậu Lý Nam Đế (571-602) và Bắc thuộc lần thứ ba (603-939) Phật giáo mới bắt đầu bước vào thời thịnh đạt, vì lúc bấy giờ có Ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi ở Trung Hoa sang (580) đem Thuyền Tôn truyền bá và được người Việt Nam hết sức ái mộ. Do đó ảnh hưởng Phật giáo được lan rộng rất mạnh ở nước Việt Nam lúc bấy giờ. Điều đáng chú ý hơn hết là ba đoàn truyền giáo ở nước Việt Nam trong hai đoàn trước hầu hết là người Tàu, nhưng đoàn thứ ba lại hoàn toàn là 6 vị Pháp sư người Việt, bốn Ngài ở Giao Châu, Vân Ký Thuyền sư, Mộc Xoa Đề Bà, Khuy Sung Pháp sư, Huệ Diệm Pháp sư và hai ngưới Ái Châu: Trí Hành Thuyền sư, Đại Thặng Đăng Thuyền sư.

2. Phật giáo đời Đinh (968- 980) và đời tiền Lê (980- 1009): Đến đời Đinh, Phật giáo có thể là độc tôn. Tất cả văn hóa, triều chánh trong nước phần lớn được hàng Tăng sĩ hướng dẫn, cho nên đạo Phật được phổ biến dễ dàng trong quần chúng, mặc dầu Lão giáo và Nho giáo đã truyền vào từ lâu. Về triều chánh thì có Ngài Ngô Chân Lưu làm đến chức Khuôn Việt Thái sư, ngoài ra có Ngài Trương Ma Ni làm Tăng Lục Đạo sĩ và Pháp sư Đặng Huyền Quang làm Sùng Châu Uy Nghi.

Đến khi nhà Đinh mất, nhà Tiền Lê (Lê Đại Hành) lên kế vị, chống lại quân nhà Tống (980). Trong giai đoạn nầy, các Tăng sĩ lại được biệt đãi hơn, vì chính Vua Lê Đại Hành vẫn còn triệu thỉnh các Tăng thống vào triều để bàn hỏi việc nước và việc truyền bá Phật giáo.

Điều đáng chú ý hơn cả là trong khi nước ta đã hòa với nước Tống, Vua Đại Hành liền cho sứ thần qua thỉnh kinh "Đại Tạng" và "Cửu kinh" để đem về truyền bá. Đó là lần cầu kinh thứ nhất ở Việt Nam.

3. Phật-Giáo Đời Nhà Lý (1010-1225):

Lý Thái Tổ (1010 - 1028) - Tên thật là Lý Công Uẩn, con nuôi của sư Lý Khánh Vân, ở chùa Cổ-pháp, thọ giáo với Ngài Vạn-Hạnh Thuyền Sư. Sau khi vua Lê-Ngọa Triều mất, Ngài lên kế vị lấy hiệu Thuận Thiên, đóng đô ở thành Thăng Long (Hà-Nội). Lý thái-Tổ là một Phật tử thuần thành nên sau khi lên ngôi Ngài hết sức chú trọng đến việc truyền bá Phật giáo. Ngài đã dựng rất nhiều ngôi chùa và độ rất nhiều Tăng chúng. Điều đáng chú trọng hơn là đến năm thứ 9 (1019) Ngài sai sứ thần qua Tàu thỉnh kinh đem về cất tại kinh viện Đại hưng.

Triều đại nầy có thể nói rằng một triều đại hết sức thái bình. Nói đến Phật giáo thì xưa nay chưa bao giờ có một thời đại nào thịnh đạt như thế. Vả lại các vị Thuyền sư lúc bấy giờ như Ngài Vạn Hạnh Thuyền sư, Đa Bảo Thuyền sư, Sùng Phạm Thuyền sư là những bậc danh Tăng mà nhà Vua rất kính trọng. Cho nên việc truyền giáo của các Ngài rất dễ dàng mau chóng. Những vị danh Tăng nầy đều ở trong hai phái Tỳ-Ni-Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông.

Lý Thái Tôn (1028-1054) - Lý Thái Tôn nối ngôi Thái Tổ lấy niên hiệu là Thuận Thành, Ngài cũng là người rất sùng bái đạo Phật. Sau khi đánh dẹp giặc Chiêm ở đất Hoan Châu (Nghệ-An) về, Thái Tôn sắc lập 95 ngôi chùa cử lễ khánh thành hạ chiếu miễn thuế cho dân trong nước một năm. Đến năm 1034 Thái Tôn đổi niên hiệu là Thông Thụy: lúc bấy giờ nước Việt-Nam được nhà Tống ban Đại Tạng Kinh và tự sai sứ rước qua cho ta. Thật là một ảnh hưởng khả quan cho Phật giáo nước nhà, mà cũng là một vinh dự tốt đẹp của triều đình Việt Nam lúc bấy giờ.

Các vị cao Tăng như Ngài Huệ Sinh Thuyền sư, Định Hương Trưởng lão, Thuyền Lão Thuyền sư là những bậc danh đức tu hành và có công truyền bá đạo Phật nhất trong triều đại Lý Thái Tôn nầy.

Lý Thánh Tôn (1054-1072): Thánh Tôn nối ngôi Thái Tôn, đổi quốc hiệu là Đại Việt và lấy niên hiệu là Long Thụy Thái Bình. Ngài là một ông Vua rất sùng mộ đạo Phật. Năm Long Thụy thứ 5 (1059) Ngài dựng chùa xây tháp và đúc một quả chuông nặng 12.000 cân đồng, tại làng Bả-Thiên thuộc tỉnh Hà-Nội. Quả chuông ấy hiện nay vẫn còn. Đến năm 1069 phái Thảo Đường lại xuất hiện ở Việt Nam, do Ngài Thảo Đường, đệ tử Ngài Tuyết Đậu Minh Giác bên Tàu truyền sang. Kế đó Lý Thánh Tôn thọ giáo với Ngài. Sau được truyền tâm pháp làm đệ tử đầu tiên của phái Thảo Đường. Phái Thảo Đường tức là phái Thuyền Tôn thứ 3 ở nước ta vậy.

Lý Nhân Tôn (1072-1127): Nhân Tôn nối ngôi Thánh Tôn lên làm Vua, mặc dầu nhà Vua tuổi còn nhỏ nhưng rất thông minh anh dũng. Ngài lại rất hâm mộ đạo Phật, cho nên ngoài công việc triều chánh ra, Ngài còn luôn luôn truyền bá Phật giáo. Vã lại lúc bấy giờ có nhiều vị danh Tăng lỗi lạc như Ngài Viên Chiếu Thuyền Sư soạn quyển Dược Sư Thập Nhị Nguyện Văn, Tân Viên Giác Kinh v.v... Còn Ngài Ngộ Ấn Thuyền Sư thì chuyên môn diễn giảng, do đó Phật giáo rất được quần chúng hưởng mộ và ảnh hưởng lan rộng khắp nơi.

Lý Thần Tôn (1128-1138), Lý Anh Tôn (1138-1175), Lý Cao Tôn (1176-1210) và Lý Huệ Tôn (1211-1225): Trong bốn triều đại nầy, Phật giáo vẫn được thịnh đạt, nhưng không có gì được xuất sắc lắm. Có các vị cao Tăng như Ngài Minh Không Thuyền sư và Thông Biện Thuyền sư, thuộc đời Lý Thần Tôn, Ngài Bảo Giám Thuyền sư và Ngài Viên Thông Thuyền sư thuộc đời Lý Anh Tôn, Ngài Trương Tam Tạng Thuyền sư thuộc đời Lý Cao Tôn. Đến đời Lý Huệ Tôn thì vận nước suy đồi, triều đình dấy loạn, dân sự không an. Nhà vua sanh lòng chán nản, nên vào năm Kiến Gia thứ 14 (1224) Ngài truyền ngôi cho con gái là Công Chúa Phật Kim tức Lý Chiêu Hoàng, rồi xuất gia tu ở chùa Chân Giáo, tự xưng là Huệ Quang Đại sư.

Tóm lại, Phật Giáo được thịnh hành nhất ở Việt Nam chính là đời nhà Lý, vì trong 215 năm trời, trải qua 8 đời truyền kế, vua nào cũng sùng tín đạo Phật, lại được rất nhiều vị danh Tăng ra đời tận tâm vì Phật sự, cho nên ảnh hưởng của đạo Phật trong nhân gian được lan rộng và lợi lạc rất nhiều.


bài 10: Vua Trần Nhân Tông và Trúc Lâm Yên Tử

Năm 1299, vua Nhân Tông xuất gia tại chùa Hoa Yên núi Yên tử, lấy hiệu là Hương Vân Đầu Đà (sau này vua đổi hiệu là Trúc Lâm Đầu Đà). Vua được nhận là người truyền thừa chính thức của phái Yên Tử, thế hệ thứ sáu, tiếp nối vị tổ sư thứ năm là thiền sư Huệ Tuệ. Từ đó trở đi, phái Yên Tử trở thành nổi tiếng, thế lực lan rộng trong triều đình và giữa nhân gian. Một ông vua đã từng đánh bại cuộc xâm lăng của nhà Nguyên, một ông vua đã đem hòa bình và thịnh trị cho dân, một ông vua như thế khi đi xuất gia chắc chắn đã gây nên một tiếng vang lớn và khiến tất cả mọi người trong nước hướng nhìn về ngọn núi Yên Tử. Đạo Phật trở thành yếu tố tâm lý liên kết toàn dân lại trong một mục đích xây dựng và bảo vệ quốc gia. Nhân Tông và Anh Tông là những nhà chính trị giỏi, nhưng đồng thời cũng là những Phật tử thật sự. Nhà phê bình lịch sử có thể nói họ lợi dụng đạo Phật cho chính trị nhưng nhà phê bình văn hóa cũng có thể nói họ là những người Phật tử sùng đạo.

Phong trào Phật giáo nhập thế gọi là Trúc Lâm yên Tử chỉ hưng thịnh cho đến khoảng giữa thế kỷ thứ mười bốn. Sau đó, phong trào yếu dần. Từ đây cho đến cuối thế kỷ thứ mười sáu, thiếu sự nâng đỡ của những ông vua Phật tử, đạo Phật rút lui về căn cứ của mình ở chùa trên núi và nơi thôn quê. Các chùa ở thủ đô Thăng Long thôi đóng vai trò quan trọng về chính trị.

Một thời gian sau ngày xuất gia, vua Nhân Tông đã đổi pháp hiệu là Trúc Lâm. Ta biết rằng vị tổ thứ hai của thiền phái Yên Tử, thiền sư Đạo Viên (hay Viên Chứng) ngày xưa đã được ban hiệu là Trúc Lâm quốc sư. Nhân Tông đã xuất gia và đã trở nên một vị cao tăng, tổ sư thứ sáu của phái Yên Tử và là tổ sư thứ nhất của phái Trúc Lâm: ta gọi vua bằng pháp hiệu Trúc Lâm của vua, trong khi không quên rằng Trúc Lâm quốc sư Đạo Viên là một vị tiền bối của vua.

Trúc Lâm Đầu Đà tên tục là Trần Khâm, con của vua Trần Thánh Tông, sinh năm 1258, lên ngôi vua năm 20 tuổi, xuất gia năm 41 tuổi và tịch năm 1308 vào lúc 51 tuổi. Tác giả Đại Việt Sử Ký Toàn Thư viết: "Vua được tinh anh của thánh nhân, đạo mạo thuần túy, nhan sắc như vàng, thể chất hoàn toàn, thần khí tươi sáng, hai cung đều cho là lạ, gọi là Kim Tiên Đồng Tử; ở vai bên tả có nốt ruồi đen, cho nên có thể cáng đáng được việc lớn: ở ngôi 14 năm, nhường ngôi 5 năm, xuất gia 8 năm, thọ 51 tuổi, băng ở am Ngọa Vân núi Yên Tử. Hòa nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp phục hưng làm vẻ vang đời trước, thực là vua hiền của nhà Trần. Song vui lòng ở kinh Phật, tuy bảo là đến siêu thoát, nhưng không phải là đạo trung dung của thánh nhân". Sử thần Ngô Sĩ Liên còn nói: "Nhân Tông trên thờ Từ Cung tỏ rõ hiếu đạo, dưới dùng người hiền lập nên võ công, nếu không phải bậc nhân minh anh vũ thì sao được như thế? Duy có việc xuất gia là không hợp với đạo trung dung". Đó là những lời phê bình về vua Nhân Tông của các sử thần theo Nho Giáo.

Hồi còn nhỏ tuổi, Trúc Lâm đã có ý không muốn làm vua, và muốn nhường địa vị đông cung thái tử cho em. Sách Tam Tổ Thực Lục nói: "Một đêm vào giờ Tý, vua vượt thành mà đi, muốn đến núi Yên Tử. Đến chùa ở núi Đông Cứu thì trời sáng, liền vào ẩn nấp trong tháp. Vị tăng trụ trì thấy tướng mạo dị thường liền đem thức ăn khoản đãi. Hôm ấy thái hậu và vua Thánh Tông sai quần thần đi tìm tứ tán, bất đắc dĩ vua phải về. Khi lên ngôi, tuy ngồi trên chín bệ vinh quang nhưng sinh hoạt rất thanh tịnh. Một hôm ngủ trưa tại chùa Tu Phúc trong đại nội, vua mộng thấy trên rốn mình nở ra một hoa sen lớn như bánh xe, trên đó có đức Phật vàng. Bên cạnh, có người chỉ vào vua mà hỏi: biết đức Phật này không? Đó là đức Biến Chiếu Tôn đấy! Vua tỉnh thức, đem giấc mộng nói lại cho Thánh Tông nghe, ai cũng lấy làm lạ. Từ đó thường ăn chay tránh thịt cá, long nhan gầy mòn. Thánh Tông thấy thế lấy làm lạ, hỏi. Điều Ngự (tức Nhân Tông) cứ thực trình bày. Thánh Tông khóc nói: Ta đã già, trông cậy vào một mình ngươi, nếu ngươi như thế thì làm sao nối được thịnh nghiệp của tổ tông? Điều Ngự cũng khóc. Điều Ngự thánh tính thông minh, hiếu học, nhiều tài, đọc khắp các loại sách, thông suốt cả nội điển (Phật học) lẫn ngoại điển, thường mời các vị thiền khách tới cùng giảng cứu Thiền học. Điều Ngự cũng tìm tới tham khảo với Tuệ Trung thượng sĩ, và do đó thâm nhập được cốt tủy của Thiền học, cho nên thường lấy tư cách đệ tử để đối đãi với Tuệ Trung".

Đã đành Trúc Lâm thờ Tuệ Trung làm thầy, nhưng khi xuất gia thọ 250 giới của một vị tỳ kheo thì Tuệ Trung vốn là cư sĩ, không thể truyền giới cho vua được. Ai là hòa thượng trao truyền giới pháp cho Trúc Lâm, và vua thọ giới ở đâu? Hẳn người làm Hòa thượng đầu đàn truyền giới là thiền sư Huệ Tuệ, lúc ấy đang lảnh đạo sơn môn Yên Tử, tổ sư thứ năm của thiền phái. Và lễ thọ giới xuất gia của Trúc Lâm chắc chắn được tổ chức trên núi Yên Tử.

Trúc Lâm tuy học với Tuệ Trung nhưng khác với Tuệ Trung ở chỗ vua rất chú trọng về mặt hình tướng của sự việc. Trúc Lâm xứng đáng là vị sáng tổ của một môn phái, người lãnh đạo của một giáo hội. Vua có ý định xuất gia rất sớm nhưng ý định này chỉ được thực hiện vào năm 1299.


bài 11: Chùa Báo Quốc
BẬC TRUNG THIỆN 055%20cbqhue
BẬC TRUNG THIỆN Pagoda
Tổ đình Báo Quốc nguyên thủy có tên là Hàm Long Sơn Thiên Thọ Tự do Hòa thượng Pháp Hàm hiệu Giác Phong Lão Tổ khai sơn vào cuối thế kỷ XVII. Nơi đây, năm đầu tiên ra Huế (1690), tổ Liễu Quán đã đến cầu đạo. Lão tổ thuộc phái Tào Động. Ngài viên tịch năm 1714, kim cốt của ngài được cải táng tôn trí trong ngôi Niết bàn tháp, cùng di cốt của các Tổ khác. Hai bên có hai ngôi tháp mới của Hòa Thượng Trí Thủ và Hòa thượng Thanh Trí.

Năm 1747, chúa Nguyễn Phước Hoạt đã mở rộng quy mô chùa và đổi tên là Báo Quốc tự. Hòa thượng Tế Nhân Viên Giác, một cao túc của Tổ Liễu Quán, đảm nhận trú trì trong thời gian này. Đến năm 1753, ngài viên tịch. Đại sư Hàn Chất kế tục trú trì cho đến năm 1766.

Hai mươi hai năm sau, chùa trở thành kho chứa diêm tiêu và xưởng làm súng của quân đội Tây Sơn. Tăng chúng xiêu lạc, chùa chiền hoang phế suốt hai chục năm. Đến năm 1808, Hiếu Khương hoàng thái hậu, thân mẫu của vua Gia Long đã cho tái thiết, gọi tên là chùa Thiên Thọ, Hòa thượng Đạo Minh Phổ Tịnh được cử làm trú trì trong buổi trùng hưng. Ngài là pháp tử của Hòa thượng Đại Huệ Chiếu Nhiên chùa Thuyền Tôn. Đệ tử nối pháp của Ngài có 29 vị đắc pháp đại sư, pháp tự hàng chữ Nhất, trong đó nổi bật các sư: Nhất Chơn chùa Từ Quang, Nhất Đắc chùa Thiên Hưng, Nhất Nguyên chùa Huệ lâm, Nhất Định tăng cang chùa Giác Hoàng, Nhất Trí tăng cang chùa Thiên Mụ, Nhất Niệm chùa Báo Quốc, Nhất Thể chùa Bảo Lâm, Nhất Xương chùa Thiên Hòa.

Tám năm sau (1816), Hòa Thượng Đạo Minh Phổ Tịnh viên tịch, tháp mộ kiến lập ở nghĩa địa cạnh chùa Vạn Phước ngày nay. Sau đó, Hòa thượng Tánh Thiên Nhất Định kế tục trú trì khoảng 14 năm.

Năm 1824, vua Minh Mạng đã ngự lên thăm chùa và sắc lấy lại tên là chùa Báo Quốc. Nhân lễ Vạn thọ tứ tuần đại khánh năm 1830, nhà vua đã cử hành một đại trai đàn ở đây, cấp giới đao độ điệp cho Hòa thượng Nhất Định, cử làm tăng cang quán Linh Hựu. Hòa Thượng Hải Thuận Diệu Giác là cao túc đã thay thế làm trú trì, cho đến năm 1895 Ngài viên tịch. Ngài đồng thời cũng là tăng cang chùa Diệu Đế.

Năm 1858, Vua Tự Đức, Hoàng Thái hậu Từ Dũ đã ban tiền trùng tu chính điện, hậu đường, đông tây đường, trù gia. Năm 1868 lại tu bổ với số tiền vua ban là 700 quan. Năm 1873 trùng tu cổng tam quan vốn đã được xây dựng từ năm 1808. Các năm 1882, 1890 lại tiếp tục tu bổ. Vào năm 1898, xây dựng Ngũ Công Đức đường.

Sau khi Hòa thượng Diệu Giác viên tịch, các đệ tử của Ngài là Hòa thượng Tâm Quảng, Tâm Truyền và Tâm Khoan kế tục trú trì, và từ năm 1928 đến 1953 là Hòa thượng Phước Hậu. Ngài là một pháp tử của Hòa thượng Tâm Truyền, từng kiêm trú trì chùa Linh Quang. Ngài là một thiền sư lại có khiếu làm thơ. Tiếc thay, qua bao nhiêu biến cố, thơ văn của ngài bị thất lạc, chỉ còn lại áng thơ Di ngôn thấm nhuần đạo vị:

Kinh điển lưu truyền tám vạn tư
Học hành không thiếu cũng không dư,
Năm nay tính lại chừng quên hết
Chỉ nhớ trên đầu một chữ NHƯ !

Trong phong trào chấn hưng Phật giáo thập niên 30 thế kỷ 20, chùa Báo Quốc đã có những chuyển mình đáng kể.

Tháng 10 năm 1935, tăng trường Sơ đẳng của Hội An Nam Phật học vốn tạm trú ở chùa Vạn Phước đã chính thức được xây dựng ở bên hữu khuôn viên chùa. Trường được thầy Trí Độ đảm trách. Cùng với Phật học đường Tây Thiên của sơn môn, trường đã đào tạo được một thế hệ tăng sĩ mới không những cho miền Trung mà còn cho cả nước. Năm 1944, trường dời lên Đại Tòng Lâm Kim Sơn. Nhưng đến năm 1948, Phật học đường của sơn môn lại chuyển đến đây. Báo Quốc vẫn là một nơi un đúc tăng tài cho mãi đến nay.

Sau khi Hòa thượng Phước Hậu viên tịch, sơn môn đã suy cử ban Quản trị Tổ đình Báo Quốc, gồm có Hòa thượng Trí Thủ, Hòa thượng Mật Hiển, Hòa thượng Vĩnh Thừa. Mà Hòa thượng Trí Thủ là trú trì kiêm giám đốc Phật Học đường Báo Quốc.

Những trang sử hiện đại của chùa Báo Quốc gắn liền với quảng đời hoằng pháp hóa đạo của Ngài Trí Thủ. Vốn là pháp tử của đại sư Viên Thành, Ngài đã nung nấu tâm nguyện hoằng pháp độ tha. Ngài đã từng lao tâm khổ tứ với trách vụ Viện trưởng Viện Hóa Đạo của Giáo hội, vừa trông coi Phật học đường Báo Quốc, vừa trú trì chùa Ba La Mật, Chùa Báo Quốc, vừa chăm lo tu viện Quảng Hương Già Lam ở Sài Gòn.

Trọng trách đè nặng trên vai, ngài đã nhuốm bịnh và viên tịch đầu năm 1984.


bài 12: Chùa Thuyền Tôn



Chùa Thuyền Tôn là một tổ đình lớn gắn liền với sự khai sáng của Tổ Liễu Quán. Vào khoảng 1708, chùa chỉ là một thảo am nhỏ bé do Ngài tạm dựng để tu chứng thiền quán. Sau khi tổ viên tịch, nền thảm am trở thành nơi xây tháp mộ và chùa được xây dựng qui mô cách đó lui vào khoảng 500m vào năm 1746 do công quả của Chưởng Thái Giám Mai Văn Hoan đời chúa Nguyễn Phước Hoạt và thập phương tín chúng hai phủ Triệu Phong xứ Thuận Hóa và phủ Quảng Ngãi xứ Quảng Nam đương thời. Đại hồng chung cũng được chú tạp trong thời kỳ này, đề niên hiệu Cảnh Hưng thứ 8.

Chùa tọa lạc tại ấp Ngũ Tây làng An Cựu, bên trái núi Thiên Thai, nên có tên là Thiên Thai Thuyền Tôn tự, hay còn gọi là Thiên Thai nội tự, để phân biệt với Thiên Thai ngoại tự ở làng Dương Xuân.

Các vị cao túc đắc pháp của Tổ Liễu Quán đã kế tục trú trì chùa trong buổi đầu như Tế Hiệp Viên Minh, Tế Hải Viên Giác. Tế Mẫn Tổ Huấn và Tế Ân Lưu Quang đều thuộc đời thứ 36 Lâm Tế chánh tông. Tiếp theo là các hòa thượng Đại Huệ Chiếu Nhiên, Đại Nghĩa Trí Hạo. Lúc này chùa được trùng tu lần thứ nhất do sư Đại Huệ chủ trì.

Cuối thế kỷ XVIII, vào thời Tây Sơn, tăng chúng xiêu lạc, chùa bị tiêu điều. Nhưng các thiền sư Đạo Minh Phổ Tịnh, Đạo Tâm Trung Hậu vẫn còn cố gắng chống chỏi cho có ngôi chùa.

Năm 1808, Ngài Phổ Tịnh được Hoàng Hậu Hiếu Khương phong làm trú trì chùa Thiên Thọ. Ngài Đạo Tâm Trung Hậu thay thế làm trú trì, đã được tín nữ Lê Thị Ta phát tâm cúng dường trùng tu chùa.

Sau đó trú trì là Ngài Đạo Tại Sở Trí, Đại sư Tánh Thiện và Hòa Thượng Hải Nhuận kế tục cho đến cuối thế kỷ XIX. Đầu thế kỷ XX là sư Tâm Thiền. Dần dà qua thời gian chùa đã lâm vào cảnh hư hỏng đổ nát.

Mãi đến năm 1937, Hòa thượng Trừng Thủy Giác Nhiên, là pháp tử của hòa thượng Tâm Tịnh, đang giữ cương vị tăng cang chùa Thánh Duyên đã được sơn môn suy cử kiêm chức trú trì Thuyền Tôn. Hòa thượng đã ra sức phục hồi, đại trùng tu toàn diện: chính điện, tiền đường, đông phòng, tây xá, tạo nên quy mô như ngày nay.

Hơn 40 năm an trú tại cùa Thuyền Tôn, Hòa thượng đã tiếp độ tăng chúng, chấn chỉnh thanh quy, trùng tu tự vũ, lại còn góp phần trong công cuộc chấn hưng Phật Giáo và từ năm 1973 đảm nhận chức vụ Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Đến năm 1979 Ngài viên tịch, thọ thế 102 tuổi. Tháp mộ kiến lập trong vườn chùa.

Thuyền Tôn vẫn còn bảo lưu được đường nét kiến trúc cỗ cũng như hệ thống thờ tự truyền thống. Chính điện thiết ba án thờ. Án giữa, trên hết là tượng Phật Tam Thế, phía trước là tượng Phật Thích Ca. Tiền án là tượng Bồ Tát Phổ Hiền, Chuẩn Đề và Văn Thù. Án tả thờ ba tượng: Trưởng Lão Xá Lợi Phất, Bồ Tát Quán Thế Âm và Tôn Giả Ca Diếp. Án hữu thờ Địa Tạng Vương Bồ Tát. Lại thêm hai án tả hữu tòng tự thiết trí mỗi bên 5 tượng Thập Điện Minh Vương. Mặt tiền của hai gian tả hữu thiết hai bàn thờ: bên tả là Quan Thánh, bên hữu là án thờ Thổ địa, Thổ công, Táo quân, Giám trai sứ giả và thần bổn địa Già Lam Hỏa nương.

Phía sau chánh điện tôn trí long vị của lịch đại tổ sư và các hương linh có công đức.

Nhà thơ Nguyễn Du trong thời gian làm quan dưới triều Nguyễn đã từng lên viếng chùa. Hình ảnh ngôi chùa cổ lấp ló dưới lá vàng mùa thu, vị sư già trong mây trắng và quả đại hồng chung thời Cảnh Hưng vẫn nung nấu trong nỗi lòng hoài vọng của nhà thơ qua bài:

Vọng Thiên Thai Tự

Thiên Thai sơn tự đế thành đông
Cách nhất điều giang tự bất thông
Cổ tự thu mai hoàng điệp lý
Tiền triều tăng lạ bạch vân trung
Kha liên bạch phát cung khu dịch,
Bất dữ thanh sơn tương thủy chung
Ký đắc niên tiền tằng nhất đá,
Cảnh Hưng do quải cựu thời chung.

Dịch thơ:

Trông chùa Thiên Thai

Thành vua, đông có núi Thiên Thai
Cách dải sông khó tới nơi
Chùa cổ lá vàng thu phủ kín
Triều xưa mây trắng sãi già rồi.
Thương cho đầu bạc còn vương lụy,
Cùng với non xanh trót phụ lời,
Chuông cũ Cảnh Hưng treo vẫn đó
Nhớ hồi năm trước đã lên chơi.

(Phan Khắc Hoan và Lê Thước dịch)

Hiện nay Hòa thượng Thích Thiện Siêu đang giữ cương vị trú trì chùa Thuyền Tôn, đã và đang ra sức tôn tạo cảnh chùa, xứng đáng với uy vọng của một ngôi tổ đình Thiền phái Liễu Quán
BẬC TRUNG THIỆN Thuyenton-hue
BẬC TRUNG THIỆN Thuyenton-Hue01
BẬC TRUNG THIỆN Chuongchua_1
BẬC TRUNG THIỆN Thumbnail.php?file=Thien_ton_tu_113581124
haquangto
haquangto
Admin

Tổng số bài gửi : 206
cảm ơn : 0
Join date : 13/12/2009
Age : 34
Đến từ : canh long tu

https://gdptcanhlong.forum-viet.net

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết