DIỄN ĐÀN GĐPT CẢNH LONG
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

BẬC SƠ THIỆN

Go down

BẬC SƠ THIỆN Empty BẬC SƠ THIỆN

Bài gửi  haquangto Mon Jan 18, 2010 8:20 pm

bài 1: Lịch Sử Đức Phật Thích Ca
(Từ xuất gia đến nhập diệt)

I. Thái Tử Xuất Gia:

Vào nửa đêm mồng tám tháng hai, Thái Tử Tất-Đạt-Đa cùng Xa-Nặc thắng ngựa Kiền Trắc vượt cửa thành ra đi. Đến sông A Nô Ma, Ngài xuống ngựa, lấy gươm cắt tóc trao cho Xa-Nặc. Xa nặc mang tóc cùng tất cả đồ trang sức và ngựa về cung tâu với Phụ Vương rõ chí quyết định của mình. Rồi một mình một thân đi tìm đạo. Lúc ấy Ngài được 19 tuổi.

II. Thái Tử Hỏi Đạo:

Trước hết Ngài đi tìm hiểu và hành trì các đạo đang lưu hành trong nước, tìm xem có đạo nào là chơn chánh giải thoát cho muôn loài.

Thái Tử hỏi đạo lần thứ nhất: Thái Tử đi đến thành Vương Xá, hỏi đạo các vị Tiên ở rừng Bạt Già tu theo khổ hạnh để được làm Ma Vương, Thiên Thần. Nhưng Ngài nhận thấy chưa phải là đạo chơn chánh giải thoát.

Thái Tử hỏi Đạo lần thứ hai: Ngài đến thành Tỳ-Xá-Lỵ hỏi đạo ông A-La-La tu về số luận, chuyên nhiếp tâm vào định, sanh vào cõi trời. Ngài nhận thấy chưa phải là đạo giải thoát, nên từ giã ra đi.

Thái Tử hỏi đạo lần thứ ba: Ngài đến hỏi ông Uất-Đầu-Lam-Phất, chuyên dạy các sự chấp trước có hình tướng đều là sai lạc, chỉ phải lãnh thọ cái thể nhiệm mầu mới được giải thoát và sanh vào cõi trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ. Thái Tử tu theo và chứng được Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ. Nhưng Ngài cũng nhận thấy chưa phải là cảnh giải thoát.

III. Thái Tử Tu Khổ Hạnh:

Thái Tử sau ba lần hỏi Đạo, biết rằng không có Đạo nào là chơn chánh giải thoát. Ngài tự nghĩ phải chính thân hành trì chuyên tu mới có thể tìm rõ Đạo chánh. Ngài đến rừng Ưu Lâu Tần Loa, bên sông Ni Liên thuyền và bắt đầu tu khổ hạnh với năm người bạn là Kiều Trần Như, Ác Bệ, Thập Lịch Ca Diếp, Ma Ha Nam Câu Ly và Bạc Đề. Trong sáu năm, Ngài tự thân ép xác không ăn, không uống. Càng ngày càng gầy mòn, ốm yếu chỉ còn bộ xương. Ngài nhận ra rằng phương pháp hành hạ thân xác không được lợi ích gì, người cầu đạo cần phải phát trí huệ mới mong được giác ngộ. Nghĩ thế Ngài ăn uống như thường, để giữ lại cái thân làm lợi khí trong công cuộc tìm đạo giải thoát.

IV. Thái Tử Thành Đạo:

Các Ma Vương sợ Ngài thành Đạo sẽ giác ngộ cho mọi loài, bèn rủ nhau đến phá Ngài. Ngài định tâm chuyên chú, mặc tưởng và đã chiến thắng tất cả sự cám dỗ của Ma Vương. Đến đêm Mồng Tám Tháng Chạp:
Canh I: Ngài chứng quả Túc Mạng Minh, thấy rõ kiếp trước của mình và của người.
Canh II: Ngài chứng quả Thiên Nhãn Minh, giác ngộ hoàn toàn cùng khắp.
Canh III: Ngài chứng quả Lậu Tận Minh, diệt trừ hết thảy mê lầm, vô thỉ.

Đến lúc Sao Mai mọc. Ngài chứng đẳng Đạo Vô Thượng, thành Phật lấy hiệu Thích Ca Mâu Ni. Lúc bấy giờ quả đất đều rung động, nhạc trời chúc tán, mưa hoa cúng dường.

V. Đức Phật Truyền Đạo:

Sau khi Ngài thành Đạo, Ngài đến vườn Lộc Uyển, thuyết pháp Bốn Đế cho anh em Kiều Trần Như. Bắt đầu từ đó mới có đủ Phật, Pháp, Tăng ba ngôi báu. Ngài cũng độ cho một thanh niên tên Da Xã. Chỉ trong vòng ba tháng Ngài có hơn 60 đệ tử. Dưới đây là một số đệ tử tài giỏi mà Đức Phật đã giáo hóa trong khi đi truyền Đạo:
- Ngài Ca Diếp, vị tổ sư thờ lửa và các vị đồ đệ của ông.
- Vua Tân Bà Ta La xứ Ma Kiệt Đà.
- Ngài Mục Kiền Liên thần thông đệ nhất và Ngài Xá Lợi Phất trí huệ bậc nhất.
- Ngài Nan Đà, Ngài A Nan, Ngài Ưu Bà Ly và Ngài A Na Luật Đà.
- Bà Dì Mẫu Ma Ha Bà Xà Bà Đề là người đàn bà đầu tiên được đức Phật cho vào Giáo hội.
- Ông Tu Bạt Đà La hơn 80 tuổi là vị đệ tử cuối cùng của đức Phật.

Đức Phật thuyết pháp và giáo hóa hơn 49 năm, độ cho hàng vạn ức đệ tử, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn. Ngài thường đi thuyết pháp trong 9 tháng nắng, còn các tháng mưa thì Ngài ở lại tịnh xá chuyên tu và hướng dẫn đệ tử.

VI. Đức Phật Nhập Niết Bàn:

Đến ngày trăng tròn tháng hai Ấn Độ, Ngài biết mình sắp nhập Niết Bàn, liền đến xứ Câu Ly, vào rừng Xa Nại, treo võng nơi hai cây Song Thọ. Ngài hội họp các hàng đệ tử lại giảng dạy, khuyên bảo lần cuối cùng, trao Y bát cho Ngài Ca Diếp để tiếp tục truyền đạo và Ngài nhập Niết Bàn. Ngài hưởng thọ được 80 tuổi.

VII. Kết Luận:

Đời Ngài từ xuất gia đến lúc nhập diệt là cả một gương sáng tìm Đạo, hành Đạo, truyền Đạo để cứu chúng sanh ra khỏi biển khổ. Ngài cương quyết đoạn tuyệt cảnh đời vương giả, dấn thân trong gian khổ để tìm đạo, chuyên tu khổ hạnh hơn 6 năm, tham thiền trong 49 ngày. Ngài chứng được Đạo quả. Sau đó Ngài đi thuyết pháp, giáo hóa hơn 49 năm.


bài 2: Đức Phật A Di Đà

I. Danh Nghĩa đức Phật A-Di-Đà:

Đức Phật A-Di-Đà là đức Phật làm giáo chủ cõi Tây-phương Cực-Lạc.
Tên Ngài có 3 nghĩa:
- Vô-lượng-quang: nghĩa là hào quang trí-tuệ của Ngài chiếu khắp các thế-giới.
- Vô-lượng-thọ: nghĩa là thọ mạng của Ngài sống lâu không lường kể.
- Vô-lượng công đức: Đức Phật A-Di-Đà làm những công đức không ai kể xiết.

II. Sự tích đức Phật A-Di-Đà:

Theo kinh Đại A-Di-Đà, về thời Đức Phật Thế-Tự Tại Vương ra đời, có một vị quốc vương tên Kiều-Thi-Ca. Vua Kiều-Thi-Ca nghe đức Phật thuyết Pháp liền bỏ ngôi vua xuất-gia làm vị tỳ-kheo hiệu là Pháp-Tạng. Một hôm Ngài đảnh lễ Phật, cầu Phật chứng minh và phát 48 lời nguyện, và do nguyện lực ấy sau nầy thành đức Phật A-Di-Đà.

Lại theo kinh Bi-Hoa, về đời vua Chuyển-Luân Thánh Vương tên Vô-Tránh-Niệm có vị đại thần tên là Bảo-Hải, tức là thân phụ của Phật-Bảo-Tạng. Một hôm vua Vô-Tránh-Niệm nghe Phật thuyết Pháp liền phát tâm cúng dường đầy đủ các lễ vật cho đức Phật và Đại chúng trong ba tháng. Vị Đại thần Bảo-Hải khuyên vua nên phát tâm Bồ-đề cầu đạo vô-thượng. Vua liền nguyện nếu sau này thành Phật sẽ làm giáo chủ cảnh giới trang nghiêm thanh-tịnh để giáo hóa chúng sanh. Vua Vô-Tránh-Niệm vừa phát nguyện xong, đức Bảo-Tạng Như-Lai liền thọ ký cho vua sau này thành Phật sẽ lấy hiệu là A-Di-Đà và ở cõi Tây-Phương-Cực-Lạc. Vị Đại Thần Bảo-Hải sau này cũng thành Phật hiệu là Thích-Ca Mâu-Ni.

III. Hạnh nguyện đức Phật A-Di-Đà:

Đức Phật A-Di-Đà là gương sáng của hạnh Thanh-Tịnh, vì thân Ngài chói ngời hào-quang thanh-tịnh sáng suốt. Đức Phật A-Di-Đà có phát 48 lời nguyện rộng lớn cứu độ tất cả chúng sanh, trong ấy có lời nguyện tiếp dẫn tất cả chúng sanh nào hướng niệm đến Ngài đều được vãng sanh lên cõi Cực-Lạc.

IV. Lòng quy ngưỡng của Phật tử:

Nước Việt-Nam phần đông tu theo tông Tịnh-Độ nên thờ tượng Đức Phật A-Di-Đà. Tượng Ngài đứng hoặc ngồi trên tòa sen, tay phải duỗi xuống phóng hào-quang, tay trái để ngang bụng bắt ấn cam lồ. Tại các chùa, thờ chung với Đức Phật A-Di-Đà gồm có đức Đại Thế-Chí Bồ-Tát bên tay phải và đức Quán-Thế-Âm Bồ-Tát bên trái. Hai vị này trợ hóa cho Ngài bên cảnh giới Cực-Lạc.

Thường năm đến ngày 17 tháng 11, các phật tử làm lễ vía của Ngài. Người ta thường niệm danh hiệu Ngài khi gần lâm chung để được về cảnh giới Cực-Lạc.



bài 3: Năm Giới

I. Định Nghĩa:

Năm Giới (ngũ giới) - Là năm điều răn cấm của hàng Phật tử tại gia do Đức Phật chế ra giới để đối trị với các pháp bất thiện của thân, miệng, ý. Người Phật tử khi quy y Tam Bảo phải phát nguyện thọ lãnh và thực hành năm giới cấm như sau:

1- Không được giết hại người và sinh vật: Nghĩa là phải tôn trọng mạng sống, không giết hại sinh mạng của người và loài vật. Tập làm theo giới nầy em rèn luyện được đức tính từ bi, biết thương yêu và quý trọng mạng sống của người khác. Em sẽ không gây thù ghét với một ai. Từ đó em sẽ tạo cho mình và người khác một đời sống an lành, thánh thiện.

2- Không được trộm cắp: Nghĩa là tôn trọng tài sản của người khác. Người trộm cắp luôn luôn lo sợ bị truy tố trước pháp luật, và chính lòng họ thường bị ray rứt, ân hận khi họ ăn cắp một vật gì của người khác. Tập giữ giới không trộm cắp em sẽ thấy tâm hồn được an vui, hồn nhiên và thoải mái.

3- Không được tà hạnh bất chính: Nghĩa là tôn trọng hạnh phúc gia đình mình, gia đình người khác. Người Phật tử phải tin yêu, chung thủy với người phối ngẫu của mình, không được ngoại tình với người khác. Thực hành điều nầy sẽ mang lại hạnh phúc đầm ấm trong gia đình của mình và sẽ không gây rối loạn hạnh phúc của người khác.

4- Không nói dối, nói lời xấu ác: Nghĩa là tôn trọng sự thật. Nói dối hoặc nói lời xấu ác có thể gây tai hại cho mình và cho người khác. Bạn bè dối trá nhau có thể sẽ làm mất tình bạn. Vợ chồng, anh chị em nói dối, nói lời xấu ác với nhau sẽ gây đổ vỡ trong gia đình. Là người Phật tử, em phải tập nói lời chân thật, tìm những lời dịu dàng êm ái để nói với cha mẹ, anh chị em mình, để tiếp xúc với bạn bè và người chung quanh mình. Làm được như thế em sẽ được mọi người thương yêu, tin tưởng và gần gũi em.

5- Không được uống rượu và các chất say: Nghĩa là giữ gìn tâm trí bình tĩnh, sáng suốt. Chất rượu sẽ làm mạch máu trong cơ thể mình không co giản được, dễ bị chứng bệnh ứ máu, thần kinh não cũng ảnh hưởng làm giảm trí nhớ. Người uống rượu say sưa không tự kềm chế được mình, từ đó có thể gây ra tai nạn, gây tổn thương đến mình và người khác. Giữ giới không uống rượu sẽ giúp mình giữ thân thể được mạnh khỏe, tinh thần được minh mẫn, tránh bớt những tai hại đến cho mình và người khác.

Năm giới trên không những giúp em bảo vệ đời sống cá nhân, gia đình mà còn giúp ích trong đời sống tập thể, mang lại sự an vui, yên ổn cho quốc gia xã hội nữa.

II. Thực Hành:

Năm giới là những điều cần thực hành để giữ gìn tâm ý thanh tịnh, và tránh được các việc ác. Vậy em phải quyết tâm giữ gìn cho trọn năm giới. Muốn giữ được năm giới em phải hiểu rõ ý nghĩa của các giới. Tự em phải bắt buộc em tuân theo, không ai đứng ra kiểm soát em, mà chỉ có em mới biết được em có giữ được năm giới đó hay không. Do đó em cần phải:
- Thành thật với chính mình
- Cương quyết giữ trọn được năm giới mà em đã phát nguyện.

Mỗi buổi sáng trước khi rời khỏi giường, nghĩa là sau khi vừa thức dậy, em tâm nguyện rằng: Trong ngày hôm nay em phải sống đúng năm giới. Rồi mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, em kiểm lại mình đã vi phạm giới nào, nếu có, em thành tâm sám hối, và tự hứa sẽ không tái phạm nữa.

III. Kết Luận:

Thực hành theo năm giới ta sẽ được thanh tịnh thân, miệng, ý - tránh bớt phiền não, đem lại hạnh phúc an lạc trong hiện tại, và gây nhân giải thoát cho đời sau.

Câu Hỏi:
- Giiới là gì? Hãy kể tên của năm giới.
- Tại sao em phải giữ năm giới ấy?
- Lợi ích của việc giữ năm giới là gì?
- Chúng ta phải làm gì để thể hiện sự tu tập của năm giới?




bài 4: Sáu Phép Hòa Kính



I. Định Nghĩa:

Sáu phép Hòa Kính là chung hòa thành từng đoàn và sống đúng theo tinh thần lục hòa, là sáu nguyên tắc căn bản để các bậc xuất gia sống hòa hợp với nhau.

- Thân hòa đồng trú: Cùng chung một việc làm, sống chung một chỗ với nhau, đoàn kết và xem nhau như anh em ruột thịt. Như các vị xuất-gia cùng sống chung một chùa và bao giờ cũng đồng chung công việc làm với nhau.

- Khẩu hòa vô tranh: Không dùng lời nói thô ác, cãi mắng nhau mà sinh ra giận hờn. Có điều gì không đồng ý thì dùng lời hòa nhã giải thích cho nhau đồng hiểu.

- Ý hòa đồng duyệt: Nghĩa là ý kiến dung hòa với nhau, không có mỗi người mỗi ý, làm việc gì cũng phải hỏi ý kiến với nhau, sau khi thỏa thuận rồi mới thi hành.

- Giới hòa đồng tu: Luôn luôn giúp đỡ lẫn nhau và đồng tuân theo giữ gìn giới luật.

- Lợi hòa đồng quân: Những quyền lợi gì có được thì phải đồng chia đều với nhau, không có kẻ ít người nhiều.

- Kiến hòa đồng giải: Mọi sự hiểu biết đều phải giải thích cho nhau cùng hiểu, cùng học chứ không phải giữ lấy riêng một mình.

II. Kết Luận:

Đức Phật đã đặt ra sáu phép Hòa kính nầy làm nguyên-tắc cho các bậc xuất gia chung sống với nhau, đem sự hòa đồng trong chúng để cùng nhau sống theo lời dạy của Đức Phật, tinh tấn trên con đường giải thoát và giác ngộ. Chúng ta là những Phật-tử, phải luôn luôn cố gắng sống theo tinh thần Lục Hòa hầu tinh tấn trên đường tu học.


bài 5: Bốn nhiếp pháp

I. Lời nói đầu:

Đức Phật ra đời với một ý-niệm lợi sanh; cho nên trong tất cả phương tiện giáo hóa khuyến tu của Ngài, không một pháp môn nào ra ngoài mục đích ấy. Phật-tử cũng vậy, học Phật không chỉ riêng giác-ngộ cho mình mà còn giác ngộ cùng khắp tất cả, nghĩa là phải lợi sanh. Muốn thực-hiện tinh-thần lợi-sanh của đức Phật, chúng ta cần phải học Bốn Nhiếp Pháp.

II. Định-Nghĩa:

Bốn Nhiếp Pháp là bốn phương-pháp nhiếp hóa chúng-sanh, là những phương tiện giản dị, căn cứ vào lòng từ-bi giáo hóa chúng-sanh bỏ tà theo chánh. Phương-pháp nầy ứng-dụng trong mọi trường hợp và hoàn-cảnh, có công năng giác-ngộ chúng-sanh.

III. Hành tướng Bốn Nhiếp Pháp:

Bốn Nhiếp Pháp gồm có: Bố-thí, ái-ngữ, lợi-hành và đồng-sự.

1) Bố-thí: Bố thí là đem những gì mình có cho những người khác. Bố thí có ba cách:

- Tài thí: Nghĩa là đem của cải giúp đỡ đời sống thiết-thực cho chúng-sanh. Như tiền bạc, cơm áo, nhà cửa, thuốc thang v.v.., đó là ngoại-tài. Hoặc như thân mạng, sức lực, lời nói, tư-tưởng, ý-kiến v.v.., đó là nội tài.
- Pháp thí: Nghĩa là đem giáo-pháp chân-chính ban cho người khác, giảng dạy cho chúng-sanh, hoặc tụng kinh niệm Phật để hồi-hướng công đức cho tất cả chúng-sanh.
- Vô úy thí: Nghĩa là dùng tất cả phương-tiện mình có để giúp chúng sanh an tâm trước mọi sự nguy-hiểm và biến-cố. Khi gặp sự đói kém ta đem của cải, áo cơm để cho. Khi gặp người khổ đau ta tìm lời khuyên nhủ. Khi gặp người hoạn nạn ta tìm cách cứu giúp. Không bao giờ làm những gì có hại đến mọi người. Ta hãy bố-thí bằng sức lực, ý-kiến hay của cải để cho mọi việc được thành-tựu. Gặp những tai-nạn khủng-khiếp ta hãy tìm phương cách giải cứu. Sự khổ sống trong sanh tử luân-hồi ta phải giáo hóa khuyến tu để cầu giải thoát.

2) Ái ngữ: Nghĩa là dùng lời nói hiền-hòa, thân mật, sáng-suốt, rõ-ràng để cảm-hóa người. Nói lời thành-thật, ngay thẳng không xảo quyệt để cảm hóa tăng trưởng lòng tôn kính Phật-Pháp-Tăng.

3) Lợi hành: Là tất cả những hành động có lợi ích như: Thực hành tài thí để tương-trợ đời sống vật chất cho chúng-sanh, thực hành pháp thí để giáo hóa và thực hành hạnh vô úy thí để loại bỏ những tư-tưởng khiếp nhược cho chúng-sanh; giữ giới thanh-tịnh siêng-năng tu-hành, diệt trừ tham dục và si-mê để lợi ích cho sự tu tập. Lợi hành trong công việc chỉ đem lại lợi-ích trực tiếp tạm thời cho chúng-sanh, nhưng lợi hành trong sự tinh-tấn tu tập mới tích cực lợi ích chúng sanh một cách sâu rộng.

4) Đồng sự: Là cùng sống với mọi người trong mọi công việc, mọi hoàn cảnh không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, chức tước, quyền hạn, tư-tưởng v.v...

IV. Sự lợi ích của Bốn Nhiếp Pháp:

Ngoài công việc nhiếp hóa, Bốn Nhiếp Pháp còn có công năng đem lại sự lợi ích hoàn-toàn cho chúng-sanh:

Bố thí: Giải thoát cảnh khổ bần cùng, tội chướng trong đời nầy và nhiều đời, giải thoát mọi nỗi lo sợ.

Ái ngữ: Tất cả kinh điển huyền diệu sẽ được thấu hiểu sâu xa, phiền não đau khổ sẽ được tận diệt, đem lại sự an vui, công đức được tăng trưởng.

Lợi hành: Chúng-sanh sẽ được tăng tiến phước thiện trong tất cả hành vi, tăng tiến đức độ trong tất cả ý-niệm.

Đồng sự: Chúng-sanh được cải thiện tất cả hành động và ý nghĩ xấu để trở thành người hoàn toàn.

V. Kết luận:

Bốn Nhiếp Pháp là một pháp môn rất cụ thể. Căn cứ vào lòng từ-bi vô-lượng của đức Phật, thì hạnh lợi sanh là hạnh chính trong tất cả các hạnh của đức Phật. Vì thế Bốn Nhiếp Pháp có một giá trị siêu việt và tiêu biểu ý-chí cao rộng của đức Phật.


bài 6: Bốn ân.

I. Lời mở đầu:

Làm người ở đời, được sống, được thành đạt cái gì toàn nhờ công ơn của mọi người, của xã- hội, của chúng sanh. Nhất là người Phật-tử lại có công ơn với Phật-Pháp-Tăng đã đem lại trí huệ cho mình. Cho nên muốn thành tựu nhân cách, muốn nhận rõ ý niệm của đời sống tương quan, không thể không biết đến bốn ân và những phương cách đền đáp.

II. Hành tướng bốn ân gồm có:

Ân cha mẹ, ân thầy bạn, ân quốc gia xã hội, ân Tam Bảo.

Ân cha mẹ: Chín tháng cưu mang. Mẹ bỏ ăn mất ngủ, thân thể không an, đến khi sanh sản đau đớn vô cùng không khác gì đứt từng khúc ruột, còn cha phải chạy ngược chạy xuôi, lo sắm vật dụng để chu toàn cho mẹ con, và hồi hộp trông mong cho mẹ con được vuông tròn. Khi mới sanh phải nhờ cha mẹ cho ăn uống, bồng ẳm, nuôi dưỡng, không thể rời xa được một ngày. Mỗi khi đau ốm thì cha mẹ quên ăn bỏ ngủ quanh quẩn bên giường bệnh để lo săn sóc thuốc thang. Đến khi khôn lớn, cha mẹ phải lo dạy dỗ để con đủ tư cách làm người.

Ân thầy bạn: Thầy là những người đã khai mở và nâng cao trình độ hiểu biết cho chúng ta, là những người đã ra công dạy dỗ chúng ta. Thầy bạn luôn luôn khuyến khích hướng dẫn trong những trường hợp khó khăn. Bây giờ biết đọc biết viết, biết nhận xét toàn nhờ công ơn của thầy bạn đã luôn luôn dạy bảo và dìu dắt.

Ân quốc gia xã hội: Nhờ những vị có công xây dựng nước nhà, mở mang các công nghệ, dẹp trừ những tệ đoan xã hội, đem lại thanh bình cho đất nước nên ta mới có sự an vui, thái bình thịnh vượng.

Ân Tam Bảo: Vì muốn cứu độ chúng sanh nên Đức Phật bỏ tất cả để xuất gia tìm đạo, Ngài không ngại những gian lao khổ cực, đi khắp đó đây thuyết pháp để giáo hóa chúng sanh, để chánh pháp được lưu truyền muôn thuở. Nhờ Pháp bảo mà chúng ta mới biết đường lối tu hành, thoát ly sanh tử, sống trong cảnh giới thanh tịnh an vui.

III. Làm cách nào để đền trả bốn ân?

- Cung kính vâng lời hết lòng phụng dưỡng cha mẹ.

- Siêng năng học hành để khỏi phụ lòng thầy dạy dỗ chúng ta, hết lòng cung kính thầy và thương mến bạn bè.

- Làm tròn bổn phận người công dân, làm cho văn hóa nước nhà được dồi dào, phát huy đạo đức đưa dân chúng đến con đường thiện mỹ. Kinh doanh để nâng cao đời sống xã hội.

- Nghiên cứu học tập kinh điển Phật dạy, phát huy đạo pháp, tập sống đúng như lời Phật dạy. Trọn đời quy-y Phật-Pháp-Tăng, cung kính cúng dường chư Tăng.

IV. Kết luận:

Không phân biệt người sang kẻ hèn, đã sống ở đời thì phải biết bốn ân và tìm tất cả phương tiện để đền trả. Riêng đối với người Phật tử, được nhận rõ công ơn của chúng sanh, của Phật-Pháp-Tăng nên cần phải luôn luôn cố gắng đền đáp bốn ân. Sống đúng theo lời Phật dạy là cách đền ơn thiết thực nhất của người Phật Tử.



bài 7: Nghi Thức Thông Thường.

I. Danh hiệu:

a- Nam-Mô Bổn-Sư Thích-Ca Mâu-Ni-Phật

Nam-Mô: Là một lòng cung kính và đảnh lễ. Cũng còn có nghĩa là:
- Quy-y: Là về nương tựa theo đức Phật.
- Quy-mạng: Quy gửi thân mạng của mình.
- Cứu ngã: Xin đức Phật cứu độ cho con.
- Lễ bái: Xin kính lễ bái đức Phật.
- Độ ngã: Xin đức Phật đưa con từ đau khổ đến an vui, từ sai lầm đến giác ngộ.
- Bổn-sư: Là vị Thầy nhận mình làm đệ tử và chỉ dạy con đường giải-thoát giác-ngộ.

Nam-mô Bổn Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật là xin đem cả thân mạng quy-ngưỡng đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni, người mà chúng con xin nhận là bậc thầy và nguyện cung kính lễ-bái và xin Ngài cứu độ cho tất cả chúng sanh thoát khỏi các sự đau khổ mê lầm.

b- Nam-Mô A-Di-Đà Phật: Là xin đem cả thân mạng quy-ngưỡng lễ bái đức Phật A-Di-Đà, và nguyện xin Ngài cứu độ.

c- Nam-Mô Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật:
Đương lai: Là sẽ đến.
Hạ sanh: Là giáng xuống cõi Ta-bà này.
Di-Lặc Tôn Phật: Là đức Phật Di-Lặc sẽ giáng xuống cõi Ta-bà này sau đức Phật Thích-Ca.
Di-Lặc có hai nghĩa:
*Từ-thị: Là một vị có lòng thương rộng lớn.
*Vô năng thắng: Là có trí huệ từ bi không ai sánh kịp.
Đức Di-Lặc là gương sáng của hạnh hỷ-xả.

d- Nam-Mô Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát:
Văn-Thù Sư-Lợi là vị Bồ-tát có trí huệ đệ nhất thường cỡi sư-tử tượng trưng cho sức mạnh trí-huệ để soi sáng và dẹp bỏ các tối tăm mê lầm. Văn-Thù là gương sáng của hạnh trí-huệ.

e- Nam-Mô Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát:
Đại hạnh: Là những hành động to lớn, cao siêu, khác thường, ít người làm nổi.
Phổ hiền: Là vị Bồ-tát có những hạnh nguyện cứu độ cho mọi loài, thường hầu bên tay phải đức Phật Thích-Ca và hay cỡi voi trắng tượng trưng cho sức mạnh các hạnh nguyện vị tha rộng lớn.

f- Nam-Mô Đại-Bi Quán-Thế-Âm Bồ-Tát:
Đại-bi: là lòng từ-bi rộng lớn.
Quán Thế Âm: Là vị Bồ-tát quán xét tiếng kêu đau khổ của chúng-sanh. Ngài là gương sáng của hạnh từ-bi.

g- Nam-Mô Linh Sơn Hội Thượng Phật Bồ-Tát:
Linh sơn: Là hòn núi Kỳ-Xà-Quất ở Ấn-Độ, chỗ đức Phật thường hay thuyết-pháp.
Hội Thượng: Là chúng hội nghe Pháp, gồm có các vị Bồ-tát, các vị Đại-đệ-tử hội họp trên núi Linh Sơn nghe đức Phật Thích-Ca thuyết-pháp.

II. Bốn lời nguyện rộng lớn:

Chúng sanh không số lượng, thệ nguyện đều độ khắp: Số lượng của tất cả các loài nhiều không kể xiết, con xin thề nguyện cứu độ tất cả.

Phiền não không cùng tận thệ nguyện đều dứt sạch: Phiền não vẫn liên tục đến với chúng sinh, con xin thề nguyện tập tiêu trừ tất cả.

Pháp-môn không kể xiết, thệ nguyện đều tu học: Pháp môn của đức Phật nhiều không kể xiết, con xin nguyện cố tu học.

Phật đạo không gì hơn, thệ nguyện được viên thành: Con đường thành Phật là cao cả, con xin thệ nguyện được thành tựu hoàn toàn.

III. Chú Vãng Sanh:

Chú: Là lời bí-mật bằng tiếng Phạn do chính đức Phật nói ra, người thường không thể hiểu và cắt nghĩa. Bài này có công năng tiếp dẫn chúng-sanh qua nước Cực-Lạc nên gọi là chú vãng sanh.

Bạt nhứt thế nghiệp chướng căn bản: Bạt là trừ, nhổ tận gốc rễ về thân, khẩu, ý. Những nghiệp này là cội gốc phát sanh ra các nghiệp khác, nên gọi là căn bản.

Đắc sanh Tịnh-Độ Đà-la-ni: Đà-la-ni là một pháp môn thâu nhiếp các pháp môn khác. Chú vãng sanh là một pháp môn thâu nhiếp tất cả các pháp môn khác và có công năng dứt sạch các nghiệp chướng căn-bản khiến được vãng sanh qua nước Cực-Lạc.

IV. Ba Tự Quy:

Là tự quy-y Phật, tự quy-y Pháp, tự quy-y Tăng. Nghĩa là quy-y Phật Pháp Tăng chung cùng khắp cả pháp giới:

Tự quy-y Phật, xin nguyện chúng sanh, thể theo đạo cả phát lòng vô thượng: Xin quay về và nương tựa với chư Phật và xin nguyện cùng với tất-cả chúng-sanh, thể theo đạo cao siêu, nhiệm mầu của Ngài và xin phát tâm Bồ-Đề cao cả.

Tự quy-y Pháp, xin nguyện chúng sanh, thấu rõ kinh tạng trí tuệ như biển: Xin quay về nương tựa với lời Phật dạy và nguyện cùng với tất cả chúng sanh thấu rõ ba tạng kinh điển để trí huệ được rộng lớn như biển cả.

Tự quy-y Tăng, xin nguyện chúng sanh thống lý đại chúng hết thảy không ngại: Xin quay về và nương tựa với chư Tăng và nguyện cùng tất-cả chúng-sanh, điều khiển coi sóc toàn thể đại chúng mà không chút ngần ngại, cho dù hy sinh tất cả.

V. Hồi Hướng:

Là lời nguyện đem công-đức tu hành tụng niệm trên của mình hướng về ban-bố cho toàn thể chúng-sanh, tất cả đều được thành Phật như mình.

Nguyện đem công đức này: Công-đức là những việc có công năng tăng trưởng phước đức, nguyện đem tất-cả công-đức tu-hành tụng niệm này cho mình, và cho mọi người.

Hướng về khắp tất cả: San sẻ chia khắp cho tất cả chúng sanh.

Đệ-tử và chúng-sanh: Tất cả chúng sanh và chính mình.

Đều trọn thành Phật-đạo: Tất cả được thành-tựu được chứng quả Phật.


bài 8: Ý Nghĩa lá cờ Phật giáo.
BẬC SƠ THIỆN Tung-b3
Lá cờ Phật Giáo là biểu tượng của Phật Giáo qua sự hiện hữu của đạo Phật trong cuộc đời này.

Cờ Phật Giáo do Đại tá Henry Steel Olcott (1832-1907), người Hoa Kỳ theo học Phật Pháp cùng với Thượng tọa H. Sumangala, người Tích Lan, đã phỏng theo sáu màu hào quang của Đức Phật để phác họa vào năm 1889. Những màu hào quang của Đức Phật là: xanh, vàng, đỏ, trắng, cam và màu tổng hợp của năm màu vừa kể.

Lá cờ này đã được treo lần đầu tiên tại các chùa Tích Lan vào dịp lễ Phật Đản 1889. Sáu mươi mốt (61) năm sau tại Đại Hội Phật Giáo Thế Giới đầu tiên tổ chức ngày 25 tháng 5 năm 1950 tại thủ đô Colombo, nước Tích Lan, gồm có hai mươi bảy (27) quốc gia hội viên thuộc Á châu, Âu châu và Bắc Mỹ tham dự, đã chính thức công nhận làm cờ Phật Giáo Thế Giới. Hiện nay lá cờ được khoảng tám mươi (80) quốc gia trên thế giới xử dụng trong các ngày lễ Phật Giáo.

Năm màu trên cờ Phật Giáo bao gồm những ý nghĩa sau đây:
*Màu hào quang của Đức Phật:
- Xanh: Thiền định
- Vàng: Trí tuệ
- Đỏ: Tinh tấn
- Trắng: Thanh tịnh
- Cam: Từ bi
*Ngũ căn và ngũ lực: Ngũ căn là năm pháp môn căn bản mà người tu hành muốn hoàn thiện để tiến đến giác ngộ. Ngũ lực là năm sức mạnh tinh thần làm động cơ thúc đẩy. Ngũ căn và ngũ lực gồm có:
- Xanh - Định: Tập trung tư tưởng, định tỉnh tâm hồn.
- Vàng - Huệ: Trí hiểu biết phán đoán.
- Đỏ - Tấn: Sự chuyên cần, tinh tấn.
- Trắng - Tín: Lòng tin tưởng.
- Cam - Niệm: Điều suy nghĩ, ghi nhớ.
*Ngũ uẩn hoặc ngũ ấm: Ngũ uẩn là năm yếu tố căn bản để hoàn thành con người. Ngũ uẩn gồm có:
- Xanh: Sắc là vật chất gồm đất, nước, gió và lửa, tức là phần cấu tạo nên thể xác.
- Vàng: Thọ là cảm giác như các việc vui, buồn, mừng, giận, ghét, thương, việc nhận lảnh, từ chối v.v...
- Đỏ: Tưởng là kiến thức về khái niệm.
- Trắng: Hành là trạng thái tâm lý, tức là hành động và nghiệp lực song hành với nhau. Ta biết làm điều lành và tâm luôn hướng tới việc thiện thì tự nhiên đời sống nội tâm sẽ được thư thái dễ chịu. Một khi lỡ làm một việc trái với lương tâm ta cảm thấy đau nhói, cắn rứt.
- Cam: Thức là năng lực trí tuệ hay ý thức, là phần quan trọng số một đối với người biết thăng tiến cuộc đời mình. Việc nhận thức lệch lạc sẽ dẫn ta đến bờ vực thẳm của thất bại, đau khổ.

Màu tổng hợp tượng trưng cho hòa bình an lạc như một hợp chất duy nhất không thể tách rời được. Tượng trưng cho từng phần của ngũ căn, ngũ lực, ngũ uẩn phải dính liền với nhau thì việc tu tập mới thành công được.

Ngoài ý nghĩa tinh thần ra, màu cờ Phật Giáo còn tiêu biểu cho màu da, chủng tộc của các sắc dân, không phân biệt da vàng, da đen, da trắng, da đỏ v.v... Mà tất cả con người trên thế giới đều là anh em với nhau cùng tôn thờ lý tưởng Phật Giáo để cùng nhau bắt tay xây dựng và phát triển ngôi nhà chánh pháp của Đức Như Lai.

Lá cờ Phật Giáo Thế Giới được tung bay lần đầu tiên ở Việt Nam tại kỳ Đại Hội Phật Giáo Việt Nam tổ chức tại Hà Nội năm 1951, cùng lúc bài Phật Kỳ "Phật Giáo Việt Nam" do nhạc sĩ Lê Cao Phan sáng tác, đã đem lại cho người Phật Tử niềm phấn khởi, tin tưởng nơi các đại biểu toàn quốc. Sau kỳ đại hội này làn sinh khí Phật Giáo Việt Nam được hồi sinh sau một thời gian vắng bóng vì hoàn cảnh đất nước.

Lá cờ Phật Giáo Thế Giới được dương cao lên ở bất cứ nơi nào, chứng tỏ rằng ở đó chánh pháp được phát huy và con người thấm nhuần trong giáo lý giải thoát, giác ngộ của đạo Phật vậy.

bài 9: Chữ Hiếu trong đạo Phật.

Đức Phật đã dạy: tất cả chúng sanh đều có Phật tánh; nói cách khác, tất cả chúng sanh ai cũng có tâm Phật bẩm sinh như nhau. Mỗi người tùy theo hành động sáng suốt hay mê lầm của thân, miệng, ý mà làm cho tâm Phật hiển lộ hay lu mờ đi. Ví dụ khi chúng ta an lạc, hoan hỷ cùng với niềm vui và hạnh phúc của mọi người, chia xẻ nỗi buồn với họ, đó là lúc ta sáng suốt, không để mờ tâm Phật; trái lại khi ta giận dữ, ngã mạn, cuồng tín v..v.. là lúc ta đã chuyển cái tâm Phật nơi ta thành một thứ lửa địa ngục rồi. Một trong những loại tư tưởng trong sáng, mát mẻ, nuôi dưỡng tâm Phật của chúng ta là lòng hiếu thảo hay hiếu đạo.

Lòng hiếu thảo là lòng biết ơn đối với cha mẹ mình, mong muốn được đền đáp công ơn ấy.
Về điểm này thì loài người hơn hẵn loài vật, vì vậy lòng hiếu thảo là một đặc trưng để phân biệt loài người với súc sinh. Loài vật cũng biết thương con nhưng không biết thương cha mẹ. Có một giống chim còn ăn thịt cha mẹ khi chúng đã lớn khôn, nhưng chúng ta không thể trách chúng là bất hiếu vì chúng nó là súc sinh, chỉ biết sống theo bản năng, không thể hiểu được hiếu đạo và luân lý của loài người. Đức Phật đã ân cần dạy chúng ta rằng: Gặp thời không có Phật, thờ phụng cha mẹ chính là thờ phụng Phật. Do vậy, kinh dạy rằng: một trong những nỗi bất hạnh lớn nhất của con người là không được nghe đến những chữ Phật và Cha Mẹ. Làm tròn chữ Hiếu là coi như đã đi được nửa con đường tu đạo rồi. Ở đây có một điều đáng cho chúng ta suy ngẫm: lòng hiếu thảo thế gian thường tình có phải còn nặng về ngã chấp không? Thật vậy, người con hiếu có thể chỉ thương cha mẹ mình chứ không thương cha mẹ người khác, vì thế, cái tâm hẹp hòi này có thể gây ra đau khổ phiền não cho người và cả cho mình. Ví dụ như một người kia muốn mua tặng mẹ một món quà nhưng không có tiền, anh ta bèn ăn cắp tiền của bà nhà giàu hàng xóm, chẳng may bị bắt gặp, bà ta kêu lên, anh ta đánh bà ta bị thương và kết quả là anh bị ngồi tù. Có hiếu với mẹ đâu không thấy chỉ thấy kết quả làm mẹ đau khổ vì hành động xấu của mình, làm bà hàng xóm tự nhiên bị thương và làm mình bị tù! Nhớ có lần Sư cô Trí Hải kể cho chúng tôi nghe rằng: có một chị Phật tử kia nhân ngày giỗ mẹ chị, chị đến bàn Vong lật úp tất cả hình của các vị khác xuống, chỉ để hình của mẹ chị, ý là để một mình mẹ có thể hưởng tất cả các đồ cúng! Ngày xưa quan niệm về chữ Hiếu của ông cha ta cũng rất hẹp hòi, đó là bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại (có 3 điều bất hiếu mà không có con trai nối dõi là tội lớn nhất). Người vợ không sinh con trai được coi như có tội với gia đình chồng, mang tội đại bất hiếu, từ đó sinh ra tục lệ đa thê (nhiều vợ, để kiếm con trai; nếu người vợ không có con trai người chồng có thể lấy vợ khác; có khi có 2, 3 người vợ mà cũng chưa sinh ra con trai !); tục lệ này chúng ta đã biết là đem lại khổ đau cho nhiều người - đặc biệt là cho người đàn bà.

Chữ Hiếu trong đạo Phật đã được nâng cao thành Hiếu đạo. Người Phật tử vừa là người con hiếu thì khi cha mẹ còn sống, phụng dưỡng cha mẹ bằng tình thương, sự chăm sóc và tiền bạc hợp pháp do mồ hôi nước mắt của mình làm ra. Người con hiếu cố gắng làm vui lòng cha mẹ bằng sự dịu dàng, chiều chuộng của mình nhưng quyết không chiều theo những sở thích xấu xa tai hại nếu chẳng may cha mẹ vướng phải (như cờ bạc, rượu chè, nghiện ngập, trộm cắp v.v... ); trái lại còn khuyên cha mẹ quy y Tam Bảo, làm lành tránh ác. Người con hiếu luôn làm tròn bổn phận của mình, không làm điều gì có hại cho thanh danh gia đình mình, mang tiếng xấu cho cha mẹ. Khi cha mẹ chết, lo làm các việc phước thiện như phóng sanh, bố thí, ấn tống kinh sách để phổ biến Phật Pháp để cầu nguyện và hồi hướng công đức đến cha mẹ mình. Từ lòng thương cha mẹ mình, người Phật tử trãi lòng thương ấy đến cha mẹ của tất cả mọi người mọi loài, nghĩa là đến tất cả chúng sanh. Hơn ai hết, người Phật tử hiểu được rằng trong dòng luân hồi vô thỉ vô chung này, ai cũng đã từng làm cha mẹ mình, con cái mình. Do vậy sát sanh là hại mạng sống của cha mẹ mình ở nhiều đời nhiều kiếp trước vậy. Không những thế, người Phật tử không theo thường tình thế gian báo thù cho cha mẹ bằng cách giết kẻ thù vì suy cho cùng làm như vậy là giết cha mẹ mình ở kiếp trước để báo thù cho cha mẹ của kiếp này. Cứ như thế, oan oan tương báo cho đến bao giờ mới dứt! Kinh Phạm Võng dạy: Hiếu nghĩa là giữ giới, là ngăn các điều ác. Thật vậy, chỉ cần giữ giới và ngăn các điều ác là chúng ta đã thực hành hiếu đạo rồi, vì đó là đầu mối của các hạnh lành và cũng là căn bản của giác ngộ và giải thoát.

Hiếu đạo theo Phật giáo hướng dẫn chúng ta đi trên con đường rộng lớn thênh thang của tình thương Vô Ngã, giúp chúng ta vượt khỏi biên giới hẹp hòi của ngã chấp hạn cuộc, nguyên nhân gây bao đau khổ cho người và cho chính mình. Đó chính là sự mầu nhiệm của Vu Lan Bồn. Nhờ năng lực chú nguyện của 10 phương Tăng sau 3 tháng an cư thanh tịnh mà mẹ của Ngài Mục Kiền Liên cùng tất cả tội nhân khác của địa ngục được giải thoát. Nhờ lòng thương mẹ, Ngài Mục Kiền Liên đã trãi lòng thương đến mọi loài chúng sanh, phát lời nguyện rộng lớn: Địa ngục chưa trống thì tôi thề không thành Phật; cho đến bao giờ mà tất cả chúng sanh đều được giải thoát thì tôi mới chứng Đạo Bồ Đề.

Nguyện cho tất cả các bậc cha mẹ còn tại thế thân tâm an lạc tật bệnh tiêu trừ, đã qua đời, dù đang ở trong cõi nào cũng luôn an trú trong tâm Phật và tích cực hướng về Cực Lạc Quốc. Cầu chúc cho tất cả chúng ta đều là những người con hiếu để hưởng trọn một mùa Vu Lan an lạc và giải thoát.

Thảo Luận:

1. Tại sao nó chẳng có tác dụng gì khi bắt các em phải hiếu thảo với cha mẹ?
2. Cho một vài suy nghĩ để bày tỏ tình thương các em dành cho cha mẹ là không phải tình thương miễn cưỡng, bắt buộc.
3. Cho một vài đặc điểm để giúp mọi người trong chúng ta trở thành những người con hiếu thảo với cha mẹ.


bài 10: HẠNH LẮNG NGHE

I. Em nghe:

Em thường nghe bài quán nguyện về hạnh lắng nghe như sau:

Lạy đức Quán Thế Âm Bồ Tát, chúng con xin học theo hạnh Bồ Tát, biết lắng tai nghe cho cuộc đời bớt khổ. Ngài là trái tim biết nghe và biết hiểu. Chúng con xin tập ngồi nghe với tất cả sự chú tâm và thành khẩn của chúng con. Chúng con xin tập ngồi nghe với tâm không thành kiến. Chúng con xin tập ngồi nghe mà không phán xét, không phản ứng. Chúng con nguyện tập ngồi nghe để hiểu. Chúng con xin nguyện ngồi nghe chăm chú để có thể hiểu được những điều đang nghe và cả những điều không nói. Chúng con biết chỉ cần lắng nghe thôi, chúng con cũng đã làm vơi bớt rất nhiều khổ đau của người khác rồi.

II. Em suy nghiệm:

Thì ra hạnh lắng nghe là một bồ tát hạnh (hạnh nguyện của một vị bồ tát). Thật vậy, lắng nghe thật là một nghệ thuật tuyệt vời. Nếu biết lắng nghe, ta có thể làm cho người đối diện vơi bớt phiền não khổ đau và cũng có thể làm cho chính tâm của chúng ta được nhẹ nhàng, an lạc và thảnh thơi nữa. Hãy tưởng tượng một người bạn thân đang tìm đến ta để tâm sự kể lể với ta những phiền muộn riêng tư đang chất chứa trong lòng. Nếu ta biết ngồi yên lặng, chăm chú theo dõi lời bạn nói với tất cả tâm chân thành của chúng ta, nếu chúng ta nghe với tâm vô tư không phản ứng, không phê phán, không thành kiến thì sau khi trút hết ra, bạn ấy sẽ cảm thấy nhẹ nhàng biết bao cũng như cảm nhận được tình bạn của ta đối với bạn ấy rộng lớn như thế nào. Tại sao? Bởi vì thường người ta chỉ thích nghe những gì có lợi cho mình, những lời tâng bốc hoặc khen tặng mình, chứ hiếm ai chịu mất thì giờ, công phu ngồi nghe chuyện buồn của người khác. Một số người khác thì khi nghe người ta nói ra một điều gì, chỉ để ý đến lỗi lầm của người ta rồi soi mói, phê phán và có thể sẽ lên mặt dạy dỗ, khuyên bảo để chứng tỏ mình khôn ngoan hơn, giỏi hơn, hay đạo đức, gương mẫu hơn. Thái độ này chỉ làm cho người kia càng buồn tủi, phiền muộn hơn chứ không giải quyết được gì cả. Vì thế, sự lắng nghe với tâm hoàn toàn vô tư thành khẩn tự nó đã là phương thuốc nhiệm mầu làm vơi đi khổ đau phiền não nơi người kia rồi.

Ngoài ra sự lắng nghe những âm thanh trong thiên nhiên như tiếng chim hót, tiếng gió thổi, tiếng lá thông rì rào, tiếng suối róc rách, tiếng lá rụng v.v....còn có thể đem lại sự an lạc, tâm ta ở trong một trạng thái hoàn toàn cởi mở, và buông xả một cách sâu xa. Từ đó ta còn có thể nghe được những tiếng nói từ nội tâm ta nữa. Khi ta cùng với một người thân chia xẻ khung cảnh thiên nhiên tĩnh mịch này, chúng ta có thể nghe được "cả những điều không nói" từ người bạn, từ thiên nhiên (của chim chóc, suối nguồn, cây lá, gió v.v...) và chính từ nội tâm mình. Đó là những cơ hội cho chúng ta thực tập chánh niệm hay nhất.

III. Em tu tập:

Để thực tập hạnh lắng nghe, em phải thực tập "mở rộng lòng thương" và "buông xả". Từ đó em có thể thoát ra khỏi ý niệm thương ghét, đố kỵ v..v..Chỉ khi em không còn bám víu vào tâm phân biệt: thương người này ghét người kia, thân ta quí, thân người tồi, ta đúng, người sai v.v...thì ta mới thực hành tốt hạnh lắng nghe và đem lại an lạc cho người chung quanh được.

Hằng ngày em luôn nhớ thực hành thiền - dù 5 hay 10 phút - một cách đều đặn, với tâm từ đem "mắt thương nhìn cuộc đời", không chỉ lo cho người thân mà hồi hướng đến mọi loài chúng sanh, mong cho mọi loài sống trong hòa bình, an lành. Em cũng tập lắng nghe thiên nhiên dù cỏ cây hoa lá không nói một lời nào nhưng xuyên qua đó em nghe được âm thanh vi diệu của Phật Pháp và điều này nuôi dưỡng tâm hồn em làm cho mỗi ngày phong phú thêm.

* Cuối cùng, hạnh lắng nghe là sự lập nguyện của ta. Ta nguyện lắng nghe nỗi khổ của mọi người quanh ta, đang cần ta chia xẻ, ta nguyện lắng nghe với tâm chân thành, với hy vọng làm vơi bớt khổ đau của họ; chứ không phải ta bắt người khác phải lắng nghe mình! Ta phải ý thức rất rõ điều này để khỏi trở thành tác dụng ngược lại (phản tác dụng) nghĩa là thay vì làm cho người vơi bớt khổ đau ta lại làm tăng thêm đau khổ phiền não; thay vì đem lại bình an cho mọi người chung quanh, ta làm cho mọi việc càng rối tung lên vì cách làm thiếu trí tuệ của mình! Tóm lại, muốn thực hành hạnh lắng nghe này, chúng ta phải thật sự sống trong chánh niệm tỉnh thức, an trú trong cái thiện tâm từ bi tự nhiên bao dung của mình.

Câu Hỏi:

- Quán thế âm là gì?
- Quán Thế Âm là ai?
- Giảng nghĩa: thành kiến, thành khẩn, phán xét, phản ứng.
- Em có thường nghe những âm thanh trong thiên nhiên như tiếng chim kêu, tiếng gió thổi, tiếng suối reo, tiếng nước chảy, tiếng sóng biển v.v... không? Lúc nào? Ở đâu?
- Tại sao nói: "Nhìn ngắm một ngọn lá, một cái hoa, một giọt sương trên lá v.v... ta thấy được cả vũ trụ, thế giới ... trong ấy"?
- Em thực tập hạnh lắng nghe như thế nào?



bài 11: NGHỆ THUẬT NGHE PHÁP THOẠI



I. Em nghe:

PHÁP THOẠI là một buổi nói chuyện Đạo, một buổi giảng Phật Pháp, một buổi học giáo lý dưới dạng nói chuyện. Nghe Pháp thoại cũng cần phải rất thận trọng, như học Kinh vậy.

Nghe pháp thoại không chỉ là học giáo lý mà còn là tu tập. Chúng ta không chỉ nghe bằng lổ tai và trí óc mà còn phải nghe bằng chính những kinh nghiệm của riêng mình, dùng những khổ đau phiền não mà mình đã trải qua để kiểm nghiệm lại. Người nói Pháp cũng vậy, họ cũng nói từ những kinh nghiệm khổ đau có thật mà họ đã kinh qua. Những bài pháp thoại mà người nói chỉ dựa vào sách vở, lý thuyết và người nghe cũng chỉ tiếp nhận bằng lý luận, suy nghĩ v.v... thì chưa được gọi là thành công. Một bài pháp thoại thành công là khi nó "rơi" vào lòng người nghe thì nó khơi dậy được ở người nghe những hạt giống tuệ giác có sẵn trong họ; họ bắt gặp được trong lời giảng những sự đồng dạng với những kinh nghiệm sống của họ, những phiền não mà họ đã trải qua trong cuộc sống trước mặt. Nghe có nghệ thuật là trong khi nghe và sau khi nghe, thính giả có được sự chuyển hóa trong tâm mình, những hạt giống khổ đau đã chuyển hóa thành sự an lạc, như đã biết dùng những khổ đau đó làm phân bón cho niềm an lạc được kết trái đơm hoa.

II. Em suy nghiệm:

Thái độ để nghe một bài pháp thoại rất là quan trọng. Khi nghe mình phải để tâm vào lổ tai, phải lắng nghe thì mới hiểu được người giảng Pháp đang nói gì. Khi đã hiểu sâu lời người ấy nói thì tâm ta liền tự nhiên tiếp xúc được với người nói, với nội dung Phật Pháp mà người ấy muốn trao truyền, và tự nhiên liên hệ được với chính tuệ giác sẵn có nơi mình, với những kinh nghiệm, những phiền não khổ đau mà mình đã trải qua, và có khi ngay lúc đó mình chuyển hóa được những lo âu thành niềm vui và hy vọng. Do vậy có nguời đã nói rằng Phật Pháp là liều thuốc chữa được cả tâm bệnh và thân bệnh vì như các bác sĩ đã cho biết khi tâm ta an lạc thì các tế bào trong cơ thể ta cũng an lạc mà còn gấp 10 lần hơn. Như vậy nghe pháp thoại cũng chính là tu tập và thực tập chánh niệm vậy. Em thường đọc trong kinh rằng khi Phật nói xong một bài Kinh thì nhiều vị chứng đắc, rõ ràng đức Phật là người nói Pháp thoại tuyệt vời và các vị đại đệ tử của Ngài là những người đã đạt đến thiện xảo trong nghệ thuật nghe Pháp Thoại vậy. Và chứng đắc tức là tuệ giác của họ được khai mở, họ thấy như đức Phật đã thấy, cảm nhận như Đức Phật từng cảm nhận; từ đó thấy được sự thật của các pháp.

III. Em tu tập:

Em tập nghe pháp thoại đúng cách chính là em đã thực tập chánh niệm tỉnh thức vậy. Thường thường nếu nghe pháp thoại trong một buổi tu học thì có đông người nghe do đó trước hết, em phải giữ im lặng tuyệt đối khi nghe pháp thoại. Trong các giờ Phật Pháp ở Gia Đình cũng vậy, bắt đầu vào giờ thì tất cả chúng ta niệm danh hiệu Phật như là một nhắc nhở chúng ta thái độ trang nghiêm để đón nhận bài Phật Pháp.

Nghe Pháp không chỉ bằng tai mà còn bằng cả tâm hồn mình. Nói theo danh từ nhà thiền, nghe Pháp là phơi mở mảnh đất tâm của mình cho pháp thoại thấm vào như những giọt mưa tưới tẩm những hạt giống thiện lành sẵn có để nó đơm bông kết trái hay chuyển hóa những phiền muộn, tiêu cực thành an lạc, nhiệt tình v..v..

Phật Pháp còn gọi là Pháp nhũ (nhũ = sữa) nên nghe Pháp là uống sữa ngọt để nuôi lớn tuệ giác sẵn có nơi mình, hướng dẫn mình đi đúng con đường tu tập đạo giải thoát, soi sáng những lời nói, ý nghĩ, và việc làm của mình. Em nguyện không bao giờ nói chuyện, làm ồn hay làm điều gì ảnh hưởng việc nghe Pháp của những người chung quanh.

Em nguyện nghe Pháp đúng cách - dù là nghe băng một mình hay nghe với tập thể - để việc nghe Pháp vừa đem lại lợi ích cho mình và cho mọi người ngay lúc được nghe Pháp.

Em tự hứa với mình cố gắng tham dự những buổi Pháp thoại tổ chức tại Chùa hay trong các khóa tu học để mảnh đất tâm của mình được săn sóc tốt, mong một ngày nào đó sẽ có khả năng cứu độ mọi loài giải thoát khỏi khổ đau phiền não.

Câu Hỏi:

- Pháp thoại là gì? Em có thường được nghe pháp thoại không? Ở đâu?
- Thế nào là nghe pháp thoại đúng cách?
- Thế nào gọi là "thành công" khi nói pháp thoại?
- Tại sao nói: "Phật Pháp là liều thuốc chữa được cả tâm bệnh và thân bệnh"?
- "Các pháp" là gì? Có bao nhiêu "pháp" tất cả? Em thử kể ra 5 pháp?
haquangto
haquangto
Admin

Tổng số bài gửi : 206
cảm ơn : 0
Join date : 13/12/2009
Age : 34
Đến từ : canh long tu

https://gdptcanhlong.forum-viet.net

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang


 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết