DIỄN ĐÀN GĐPT CẢNH LONG
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

BẬC CHÁNH THIỆN

Go down

BẬC CHÁNH THIỆN Empty BẬC CHÁNH THIỆN

Bài gửi  haquangto Mon Jan 18, 2010 8:51 pm

bài 1: Ngài Ma-Ha Ca-Diếp

I. Ý Nghĩa Tên Ngài:

Tiếng Phạn là Ma-Ha Ca Diếp, hay Ca-Diếp-Ba, dịch là Ẩm-Quang. Do công đức thếp tượng trong một đời trước, thân Ngài được chói sáng sắc vàng, làm mờ các sắc khác, nên gọi là Ẩm-Quang. Ngài là vị Tổ đầu tiên được đức Phật truyền y bát, nối truyền giáo pháp, nên cũng gọi Ngài là vị Tổ-sư thứ nhất.

II. Thân Thế của Ngài:

Ngài sanh ở nước Ma-Kiệt-Đà, dòng Bà-la-môn, một chủng tộc có quyền thế ở Ấn Độ. Phụ thân Ngài là Ẩm-Trạch, mẫu thân là Hương-Chi. Ngài rất giàu, nhưng Ngài không tham những sự sung sướng về vật chất dục vọng. Bị ép lập gia đình với một người đàn bà đẹp ở thành Tỳ-Xá-Lỵ. Ngài rất sung sướng được thấy vợ Ngài cũng đồng một niệm ly dục như Ngài, và hai người chung sống nhưng thân tâm vẫn thanh tịnh. Sau hơn 12 năm, hai người đều đi tu. Ngài Ma-Ha Ca-Diếp thọ giáo làm đệ tử Đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni.

III. Công Hạnh Của Ngài và Lòng Quy Ngưỡng Của Phật Tử:

Ngài tu theo hạnh đầu-đà. Lúc già yếu, Ngài không những không thối chuyển mà còn siêng tu bội phần hơn. Đức Phật tán thán khích lệ rằng: "Có hạnh đầu-đà, pháp ta mới trường tồn" (Đầu đà nghĩa là phải rũ sự tham trước ba món: ăn, mặc, ngủ). Ngài được tôn xưng là Đầu-đà đệ nhứt, thường đứng hầu bên tay trái Đức Phật.

Sau khi Đức Phật nhập Niết-Bàn, Ngài hội họp Tăng-chúng, gồm những vị đại đức thông hiểu kinh luật, tại nước Ma-kiệt-Đà, thành Vương-xá, núi Kỳ-xà-Quật để kết tập kinh, luật, luận. Hội nghị nầy là lần kết tập đầu tiên. Ngài là vị Tổ sư thứ nhất được Đức Phật truyền y bát, cầm đầu Tăng chúng và truyền bá giáo pháp. Ngài lại tượng trưng cho hạnh ly dục hoàn toàn của đạo Phật.

Phật tử chúng ta luôn luôn ghi nhớ ân Ngài, bằng cách đảnh lễ tán thán Ngài, tu học truyền bá hành pháp và tập sống theo hạnh ly dục thanh tịnh của Ngài.


bài 2: Ngài A-Nan-Đà



I. Ý nghĩa tên Ngài:

Tiếng Phạn A-Nan-Đà dịch là Khánh Hỷ có nghĩa là vui mừng vì:
Ngài sinh ra gặp ngày Đức Phật Thích Ca thành đạo, ngày vui mừng nhất của nhân loại.

Ngài là con Hộc Phạn Vương, em vua Tịnh Phạn. Vua Hộc Phạn rất rộng lượng nhân từ, nên khi có con trai, cả nước cùng chung vui với nhà Vua. Ngài A-Nan-Đà thường dự những lần thuyết pháp của Phật. Ngài là em họ của Phật và là thị giả của Phật.



II. Tiền thân của Ngài:

Trong kinh Lăng Nghiêm có chép: ở một kiếp quá khứ, Ngài cùng đức Phật Thích Ca Mâu Ni làm thiện hữu đồng phát tâm Bồ Đề, tu các phép hạnh. Nhưng Ngài quá chuộng đa văn, không chuyên hành đạo, còn Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thì luôn luôn tinh-tấn tu hành. Do nhân duyên kiếp trước nên đời nay Ngài sanh vào dòng họ Thích, làm anh em thúc bá với đức Phật. Lúc 25 tuổi, Ngài xuất gia hầu hạ đức Phật và thọ trì chánh pháp.



III. Công hạnh của Ngài và lòng quy ngưỡng của Phật Tử:

Vì kiếp trước Ngài thiên trọng trau dồi trí huệ nên đời nay Ngài được trí huệ sáng suốt, hiểu nhớ cùng khắp. Ngài được tôn xưng là đa văn đệ nhất trong hàng đệ tử Phật.

Ngài có công lớn trong việc cầu xin đức Phật cho hàng phụ nữ xuất gia tu đạo. Cho nên trong kinh Niết Bàn, đức Phật dạy đến ngày 8 tháng chạp (ngày sinh nhật của Ngài) hàng nữ Phật tử phải tận tâm cúng dường đảnh lễ Ngài để kỷ niệm hồng ân ấy.

Ngài là vị tổ thứ hai tiếp nối Ngài Ca Diếp; Ngài đứng hầu bên phải đức Phật.

Sau khi đức Phật diệt độ, trong kỳ kết tập kinh điển lần thứ nhất, Ngài vâng lệnh chúng Tăng, đọc lại những lời dạy của đức Phật mà Ngài đã được nghe và ghi nhớ.

Trong các kinh chúng ta thường thấy câu "Như thị ngã văn" (tôi nghe như vầy) để đầu là biểu ý tất cả bộ kinh đều do Ngài nghe đức Phật thuyết giảng và chỉ đọc lại mong chánh pháp lưu thông, chứ không phải lời ước đoán sai lầm như kinh điển ngoại đạo.

Công ơn đối với hậu thế của Ngài lớn nhất là sự kết tập kinh điển. Ni chúng và hàng nữ Phật tử luôn nhớ ơn đức của Ngài trong việc xin đức Phật cho phái Nữ xuất gia. Tượng Ngài luôn đứng bên phải của đức Phật.


bài 3: Ngài Liễu Quán
BẬC CHÁNH THIỆN Tt9_1
I. Nguyên quán:

Ngài Liễu Quán tên Lê Thiệt Diệu, quê làng Bạc Mã, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Ngài mồ côi mẹ lúc sáu tuổi. Thân sinh Ngài cho Ngài xuất gia làm đệ tử của Ngài Tế Viên Hòa Thượng, người Trung Hoa.



II. Sự nghiệp tu hành:

Được 7 năm thì Hòa Thượng Tế Viên viên tịch. Ngài ra Thuận Hóa tham học với Ngài Giác Phong ở chùa Bảo Quốc. Một năm sau (1691) Ngài trở về quê để phụng dưỡng cha già. Sau khi phụ thân mất (1695) Ngài trở lại Thuận hóa thọ Sa di giới với Ngài Thạch Liêm. Năm 1679 Ngài thọ Cụ túc giới với Ngài Từ Lâm. Năm 1699 Ngài đi tham lễ khắp nơi để bồi dưỡng cho sự tu hành. Năm 1702 Ngài đến Long sơn cầu học tham thuyền với Ngài Tử Dung (Tổ khai sơn chùa Từ Đàm). Liên tiếp mấy năm 1733 đến 1735 Ngài đã dự 4 lễ lớn về Đại giới đàn. Năm 1740, Ngài chủ trì đàn Long Hoa truyền giới, sau đó Ngài trở về núi Thiên Thai dựng am thảo ẩn náu tu hành, nay là chùa Thuyền Tôn. Năm 1742 Ngài thọ bệnh. Khi sắp lâm chung, Ngài gọi môn đồ lại dạy rằng: "Nhân duyên đã hết, ta sắp chết đây." Khi thấy môn đồ khóc, Ngài dạy: "Các người khóc làm gì? Các đức Phật ra đời còn nhập Niết Bàn, ta nay đi đến rõ ràng, về tất có chỗ, các người không nên khóc và đừng nên buồn thảm." Kế đó Ngài viết bài kệ từ biệt:

"Thất thập dư niên thế giới trung
Không không sắc sắc diệt dung thông
Kim triêu nguyện mãn hoàn gia lý
Hà tất bôn man vấn tổ tông."
(Ngoài bảy mươi năm trong thế giới
Không không sắc sắc thảy dung thông
Ngày nay nguyện mãn về nơi cũ
Nào phải ân cần hỏi tổ tông).

Viết bài kệ xong, Ngài bảo môn đồ: "Sau khi ta đi, các ngươi phải nghĩ cơn vô thường nhanh chóng, cần phải siêng năng tu học, các người cố gắng tiến tới, chớ bỏ quên lời ta."

Ngày 22 tháng 11 năm Nhâm Tuất (1742), sau khi dùng nước trà xong, Ngài vui vẻ từ biệt môn đồ, tiêu diêu thoát hóa. Vua Minh Vương được tin liền ban Thụy hiệu là Đạo Hạnh Thụy "Chánh Giác Viên Ngộ Hòa Thượng". Ngài là đời thứ 35 dòng Lâm Tế chánh tôn, khai sơn chùa Thiên Thai Thuyền Tôn Huế.



III. Ảnh hưởng đạo đức:

Ngài Liễu Quán là một vị danh đức tu hành, có công khai hóa hơn hết.

Nhờ Ngài mà ảnh hưởng phái Lâm-Tế lan rộng từ Trung đến Nam nước Việt và trở thành một nhánh lớn gọi là Liễu Quán. Ngài là một danh Tăng Việt Nam được đắc tuyên xưng là vị tổ đầu tiên. Hiện nay phái Liễu Quán được truyền thừa theo bài kệ dưới đây: "Thiệt tế đại đạo, tánh hải thanh trừng, tâm nguyên quảng nhuận, Đức Bổn Từ phong, giới định phước huệ, thể dụng viên thông, vĩnh siêu trí quả, mật khế thành công. Truyền trì diệu lý, diễn xướng chánh tông, hạnh giải tương ưng, giác ngộ chân không."

Theo tuần tự bài kệ này, con cháu dòng dõi Lâm Tế hiện nay vào đến chữ Tâm, chữ Nguyên và chữ Quảng.

bài 4: NGÀI NGUYÊN THIỀU
BẬC CHÁNH THIỆN Thumbnail.php?file=To_Nguyen_Thieu_676901401
I. Nguyên quán:

Ngài Nguyên Thiều không rõ gia thế ra sao, thân sinh và thân mẫu tên gì. Chỉ biết Ngài họ Tạ, người Trung Hoa, quê ở Trịnh Lương, Huyện Triều Châu, tỉnh Quảng Đông.



II. Sự nghiệp tu hành:

Ngài xuất gia năm 19 tuổi, tu ở chùa Bảo-Tự (Trung Hoa), thọ giới với Ngài Đổi-Khao Khoán-Viên Hòa Thượng (Trung Hoa). Đến năm Cảnh Trị thứ ba đời Lê Huyền Tôn, năm Ất Tỵ thứ 17 đời chúa Nguyễn Phúc Tần (1665), Ngài theo tàu buôn qua An-Nam (Việt Nam cũ) ở tại Quy-Ninh (Bình Định) lập chùa Thập Tháp Di Đà, mở trường truyền dạy. Sau ra Thừa Thiên lập chùa Hà Trung thuộc quận Phú Lộc rồi lên Huế lập chùa Quốc Ấn và dựng tháp Phổ Đồng (tháp này bị quân Tây Sơn phá). Ở tại Quốc Ấn ít lâu, Ngài phụng mệnh đức Anh Tôn (Nguyễn Phúc Tăng 1667-1691) trở về Trung Hoa mời các vị cao Tăng và thỉnh Pháp tượng, Pháp khí. Đến Quảng Đông Ngài mời được Hòa Thượng Thạch Liêm và nhiều vị danh Tăng khác cùng thỉnh nhiều kinh điển tượng khí đem về nước. Lúc ấy Chúa Nguyễn ra lệnh mở đàn truyền giới rất long trọng tại chùa Thiên Mụ.

Năm Thảo Thế thứ 10, ngày 19 tháng 10 (?), Ngài cho gọi tất cả đồ chúng dặn dò mọi việc và truyền bài kệ rằng:
"Tịch tịch kỉnh vô ảnh
Minh minh châu bất dụng
Đường đường vật phi vật
Liễu liễu không vật không."

Ngài muốn chúng Tăng thấu hiểu rằng Thể pháp thân thanh tịnh trong sáng như bức gương, tuy hiện tại của sự vật có sai khác nhưng đều là một thể pháp thân luôn thay đổi, thể pháp thân thường vẳng lặng mà không phải là không, tức là chơn không diệu hữu vậy.

Sau đó Ngài ngồi yên lặng viên tịch.



III. Ảnh hưởng đạo đức:

Ngài Nguyên Thiều là vị tổ truyền của phái Lâm Tế đầu tiên ở Trung kỳ và cũng là người đem đạo Phật vào Thừa Thiên trước nhất. Ngoài việc khai sáng chùa Quốc Ân và Hà Trung ở Thừa Thiên và chùa Thập Tháp ở Bình Định, Ngài đã cung thỉnh một số cao Tăng khác như Ngài Thạch Liêm, Ngài Tử Dung, Ngài Từ Lâm, Ngài Thuyền Lâm qua Việt Nam lập giới đàn đầu tiên, sau đó các Ngài này đều ở lại và lập chùa Từ Đàm, Thuyền Lâm, Từ Lâm, Khánh Vân ... Nhờ vậy, dân chúng được thấm nhuần ảnh hưởng tốt đẹp của đạo Phật. Hiện nay các ngôi chùa này vẫn còn và đều là những ngôi chùa danh tiếng ở Thừa Thiên.
haquangto
haquangto
Admin

Tổng số bài gửi : 206
cảm ơn : 0
Join date : 13/12/2009
Age : 34
Đến từ : canh long tu

https://gdptcanhlong.forum-viet.net

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết