DIỄN ĐÀN GĐPT CẢNH LONG
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

CHUYỆN VỊ THƯƠNG NHÂN THAM DỤC

Go down

CHUYỆN VỊ THƯƠNG NHÂN THAM DỤC Empty CHUYỆN VỊ THƯƠNG NHÂN THAM DỤC

Bài gửi  haquangto Tue Dec 15, 2009 12:35 am

CHUYỆN VỊ THƯƠNG NHÂN THAM DỤC
(Tiền thân Serīvāṇija)

Ở trong giáo pháp, nếu thối thất…

Trong khi trú tại thành Xá Vệ (Sāvatthi), đức Thế Tôn kể câu chuyện này cũng về một Tỳ-kheo thoái chí.

Rồi y như trường hợp ở câu chuyện trước, khi các Tỳ-kheo đưa vị này đến gặp đức Thế Tôn, Ngài nói:

– Này Tỳ-kheo, những ai sau khi đã phát tâm xuất gia theo giáo pháp vi diệu đem đến Đạo và Quả này mà lại thoái chí, thì sẽ chịu khổ đau lâu dài giống như vị thương nhân ở nước Seri đã đánh mất cái bát bằng vàng có trị giá một trăm ngàn đồng.

Các Tỳ-kheo thỉnh cầu đức Thế Tôn giảng giải điều đó, và Ngài đã giảng giải rõ ràng điều mà do vì tái sinh khiến họ không nhìn thấy được.

* * *

Thuở xưa, cách đây năm kiếp, tại vương quốc Sari, Bồ-tát làm nghề buôn bán chén bát bình chậu và được gọi tên là “Hành thương Sari”. Cùng với một vị thương nhân khác cũng buôn bán mặt hàng như vậy, là một kẻ tham lam cũng được biết đến với tên gọi “Hành thương Sari”, Bồ-tát băng qua sông Nại-lạp-ngoã-hạp (Telavāha) và đi vào thành phố An-đạt-phổ-lạp (Andhapura). Sau khi hai người phân chia các đường phố, Bồ-tát bắt đầu rao bán hàng hóa của mình quanh các đường phố thuộc khu vực của mình, và người kia cũng đã làm như vậy.

Bấy giờ, ở thành phố đó có một gia đình sa sút. Trước đây họ là những thương nhân giàu có, nhưng vào thời điểm của câu chuyện, họ đã mất hết con trai, anh em và tất cả tài sản. Chỉ còn lại một cô gái và bà của cô, và hai người này kiếm sống bằng việc làm thuê lấy tiền. Tuy thế, họ có một cái bát vàng ở nhà mà trước đây vị đại thương nhân, người chủ của gia đình thường dùng nó để ăn. Nhưng cái bát bị quăng vào trong đống xoong bát và đã lâu không người dùng đến. Nó bị bụi bặm bám đầy nên hai người này không biết đó là cái bát bằng vàng. Vị thương nhân tham lam theo đường của mình đi đến trước nhà của họ và rao lớn:

– Có bình nước để bán đây! Có bình nước để bán đây!

Cô gái kia khi biết vị này ở trước nhà mình đã nói với bà của mình:

– Bà ơi, mua cho cháu một mặt hàng rẽ tiền đi.

– Cháu ạ, chúng ta quá nghèo khó, chúng ta có thể lấy thứ gì để đổi lấy nó đây?

– Cái bát này không có ích đối với chúng ta. Chúng ta hãy đổi nó để lấy mặt hàng kia.

Bà lão đưa vị thương nhân vào nhà và mời ngồi, sau đó đưa cái bát cho ông ta và nói:

– Này ông, hãy lấy cái bát này và đổi cho chị một mặt hàng nào đó tương xứng.

Vị thương nhân cầm lấy cái bát, lật ngược nó lên và nghi đó là cái bát vàng. Ông ta dùng một cây kim, rạch một đường dưới đáy bát và nhận ra đó là một cái bát vàng thực. Thế rồi, nghĩ rằng mình sẽ lấy cái bát này mà không đổi cho bà lão một mặt hàng nào khác, ông ta bèn nói:

– Cái bát này thì giá bao nhiêu! Nó không đáng giá nữa đồng xu nữa là!

Nói xong, ông ta ném cái bát xuống đất, đứng lên khỏi chỗ ngồi và rời khỏi nhà bà lão. Bấy giờ, hai vị thương nhân thỏa thuận rằng, người này có thể đi lại những con đường mà người kia đã đi qua. Vì thế, Bồ-tát đi vào chính con đường đó và đến trước ngôi nhà này. Ngài rao:

– Có bình nước để bán đây!

Thế rồi cô gái lại nói với bà của mình như trước, và bà lão trả lời:

– Cháu ạ, vị thương nhân đầu tiên đã quăng cái bát của ta xuống đất và bỏ đi, bây giờ chúng ta còn có thứ gì để đổi chứ?

– Thưa bà, vị thương nhân đó là một người nói năng lỗ mãng, trong khi người này trông có vẻ dễ chịu và ăn nói tử tế. Rất có thể ông ấy sẽ nhận nó.

– Thế thì cháu hãy gọi ông ấy vào.

Cô gái gọi Bồ-tát vào nhà, mời Ngài ngồi và đặt cái bát vào tay Ngài. Biết rằng cái bát này bằng vàng, Bồ-tát nói:

– Thưa lão, cái bát này trị giá một trăm ngàn đồng tiền vàng. Tôi không có mặt hàng nào có trị giá tương xứng như vậy.

– Thưa ông, vị thương nhân trước đã đến đây và nói rằng cái bát này trị giá không đáng nữa đồng xu, vì thế ông ta quăng nó và bỏ đi. Chắc có thể nhờ công đức của ông mà cái bát này đã hoá thành vàng. Vậy ông hãy nhận nó, đưa cho tôi một mặt hàng nào đó cũng được rồi hẳn đi.

Bấy giờ, Bồ-tát có năm trăm đồng tiền vàng và một số mặt hàng có trị giá cũng bằng chừng ấy tiền. Ngài đưa hết tất cả cho hai bà cháu và nói:

– Tôi trao hết tất cả những thứ này cho bà, chỉ xin giữ lại cái cân, cái giỏ và tám đồng.

Được họ đồng ý, Ngài nhận lấy những thứ này và đi nhanh đến bờ sông. Ở đấy, Ngài đưa cho người chèo thuyền tám đồng và nhảy vào trong thuyền. Sau đó, vị thương nhân tham lam trở lại ngôi nhà ấy và bảo hai bà cháu mang cái bát của họ ra, nói rằng ông ta sẽ đưa cho họ một mặt hàng khác để đổi lấy nó. Nhưng bà lão đã tuôn ra cho ông ta những lời này:

– Ông biết rằng cái bát bằng vàng của chúng tôi trị giá một trăm ngàn đồng tiền vàng nhưng lại nói rằng nó không đáng giá nữa đồng xu. Tuy thế, một vị thương nhân ngay thẳng đã trao cho chúng tôi một trăm ngàn đồng tiền vàng để đổi nó, và ông ấy đã mang cái bát đi rồi.

Nghe thế, ông ta than khóc:

– Hắn đã cướp của ta cái bát bằng vàng trị giá một trăm ngàn đồng tiền vàng mất rồi. Hắn đã khiến cho ta bị thất thiệt thậm tệ.

Đau khổ đè nặng, khiến ông ta đánh mất tự chủ và trở thành người quẫn trí. Ông ta vứt hết tiền bạc và hàng hoá của mình trước ngôi nhà đó. Quăng bỏ hết áo quần và cầm lấy cán cân giống như cây gậy, ông ta rượt theo Bồ-tát cho đến khi đến tới bờ sông. Thấy Bồ-tát đang băng qua sông, ông ta hét to bảo người chèo thuyền chèo quay trở lại, nhưng Bồ-tát bảo người chèo thuyền đừng làm như thế. Ông ta đứng ở đấy, trân trân nhìn hình bóng Bồ-tát khuất xa dần, với nỗi khổ đau cùng cực đè nặng. Máu vọt ra khỏi miệng, tim ông ta nống lên và nứt nẻ ra như bùn dưới đáy hồ bị ánh nắng mặt trời phơi khô. Do vì lòng thù hận chống lại Bồ-tát, ông ta đã chết ngay tại chỗ. (Đây là lần đầu tiên Đề-bà-đạt-đa thù hận chống lại Bồ-tát.) Còn Bồ-tát, sau khi trải qua một đời làm việc bố thí và thực hành thiện nghiệp, đến khi mạng chung đã tái sanh theo hành nghiệp của mình.

* * *

Kết thúc pháp thoại này, đức Phật Chánh Đẳng Giác, bậc Nhất Thiết Trí đã đọc lên bài kệ này:

Ở trong giáo pháp, nếu thối thất

Lơ là, không tu tập tinh chuyên

Thì như Hành thương Sa-ri đó

Mất của trời cho, khổ triền miên.

Như vậy, sau khi thuyết xong pháp thoại đưa đến quả vị A-la-hán, đức Thế Tôn tuyên thuyết Tứ Thánh đế. Kết thúc thời pháp, thầy Tỳ-kheo thối thất tinh tấn chứng được thánh quả A-la-hán.

Và sau khi kể xong hai câu chuyện, đức Thế Tôn nói lên mối liên hệ của chúng và nhận diện Tiền thân để kết thúc:

– Vào thuở đó, Đề-bà-đạt-đa là vị thương nhân ngu ngốc, còn ta chính là người thương nhân tốt bụng và hiền trí.
haquangto
haquangto
Admin

Tổng số bài gửi : 206
cảm ơn : 0
Join date : 13/12/2009
Age : 34
Đến từ : canh long tu

https://gdptcanhlong.forum-viet.net

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết