DIỄN ĐÀN GĐPT CẢNH LONG
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

CHUYỆN QUAN TÀI QUAN CHU LAI

Go down

CHUYỆN QUAN TÀI QUAN CHU LAI Empty CHUYỆN QUAN TÀI QUAN CHU LAI

Bài gửi  haquangto Tue Dec 15, 2009 12:36 am

CHUYỆN TÀI QUAN CHU-LA
(Tiền thân Cullaka-Seṭṭhi)

Trong khi trú tại vườn xoài của ông Kì-bà (Jīvaka), gần thành Vương Xá (Rājagaha), đức Thế Tôn kể câu chuyện này về một vị Trưởng lão tên là Tiểu Lộ (Cullapanthaka). Và đây là bản khai sinh cuộc đời của Tiểu Lộ: Truyền thuyết kể rằng, con gái của một gia đình thương nhân giàu có ở thành Vương-xá đã hạ thấp phẩm giá khi trao thân cho một người nô bộc. Rồi sợ việc làm sai quấy của mình bị phát hiện, cô nói với người nô bộc:

– Chúng ta không thể sống ở đây được, vì nếu cha mẹ em biết việc làm tội lỗi này của chúng ta, họ sẽ xé xác chúng ta. Chúng ta hãy ra đi và sống ở một nơi thật xa.

Vì thế, mang theo tư trang, họ lẻn ra một cánh cửa ít khi được mở và trốn đi. Họ không quan tâm nơi họ đến sẽ như thế nào, chỉ cần tìm ra một nơi trú ẩn thật xa nhà cô gái là được. Thế rồi họ ra đi và sống với nhau tại một nơi nọ, và sau một thời gian thì cô nàng mang thai. Khi kỳ sinh nở cận kề, cô nói với chồng mình:

– Nếu em sinh nở mà xa người thân thì điều đó sẽ là một khó khăn cho cả hai chúng ta. Vậy chúng ta hãy trở về nhà thôi.

Người chồng cứ hẹn hết ngày này đến ngày khác và để cho ngày tháng trôi qua. Thấy vậy, cô vợ nghĩ: “Anh chàng ngốc nghếch này biết quá rõ trọng tội của mình nên không dám quay trở về. Cha mẹ là những người bạn tốt nhất, thế nên dù chồng ta có đi hay ở lại ta cũng phải đi.”

Vì thế khi chồng đi vắng, cô vợ sắp đặt việc nhà đâu vào đấy và bắt đầu lên đường trở về nhà, nhắn với người hàng xóm là cô quay về nhà cha mẹ mình. Trở về nhà và không tìm thấy vợ, hỏi han hàng xóm và biết rằng cô đã trở về nhà, người chồng vội vàng chạy theo và bắt gặp cô giữa đường. Nhưng ngay lúc đó, cô nàng sinh nở. Người chồng hỏi:

– Này nàng, có vấn đề gì thế?

– Phu quân, em vừa sinh một đứa con trai. Cô vợ nói.

Lý do duy nhất mà người vợ trở về là để sinh nở, nhưng bây giờ việc đó đã xảy ra nên cả hai cùng đồng ý rằng không nên tiếp tục trở về nữa. Và cũng do đứa con của họ được sinh ra ở bên đường nên họ đặt tên cho nó là Lộ Tử.

Không lâu sau đó, cô vợ lại mang thai, và mọi việc lại xảy ra giống như trước. Và do đứa bé thứ hai này cũng được sanh ở bên đường nên họ cũng đặt tên cho nó là Lộ Tử. Để phân biệt, họ gọi người anh là Đại Lộ Tử (Mahāpanthaka) còn người em là Tiểu Lộ Tử (Cullapanthaka). Sau đó cùng với hai con, họ trở về nhà của họ.

Bấy giờ, khi họ sống ở đấy, con của họ nghe những đứa bé khác trò chuyện với cậu và ông bà của chúng thì hỏi mẹ mình:

– Mẹ ơi, con có bà con thân thích như những đứa bé kia không hả mẹ?

Mẹ nó trả lời:

– Có chứ, nhưng họ không sống ở đây. Ông của con là một thương nhân giàu có sống ở thành Vương-xá, và con có nhiều bà con thân thích ở đó nữa.

– Vậy tại sao chúng ta không đến đó hả mẹ?

Cô kể cho cậu bé lý do tại sao họ đã sống xa xứ. Nhưng khi những đứa bé cứ hỏi mãi về bà con thân thích của chúng, cô bèn nói với chồng:

– Lũ nhỏ luôn quấy rầy em. Chẳng lẽ cha mẹ sẽ ăn tươi nuốt sống chúng ta? Thôi, chúng ta hãy dắt bọn trẻ về nhà ông bà của chúng đi.

– Thôi được, anh sẽ đưa chúng đến đó, nhưng anh sẽ không đối mặt với cha mẹ em.

– Được rồi, miễn làm sao bọn trẻ thấy được nhà ông bà của chúng. Cô nói.

Vì thế, hai vợ chồng đưa con của họ đi đến thành Vương-xá và trọ lại ở một quán trọ gần cổng thành. Sau đó, họ đưa hai đứa bé đi. Người vợ dẫn hai con đi và nhờ người báo cho cha mẹ cô biết. Cha mẹ cô khi nghe tin đã trả lời thế này:

– Trong cõi luân hồi sanh tử không ai là không có con, trừ phi những người đã xuất gia đạt được thánh quả A-la-hán. Nhưng tội lỗi của hai người này quá nặng nên không được phép đứng trước mặt ta. Đây là số tiền dành cho chúng, bảo chúng cầm lấy và quay về sống nơi chúng muốn. Nhưng hai đứa trẻ thì có thể đưa lại đây.

Thế rồi, con gái vị thương nhận lấy số tiền được gửi cho mình và giao hai con lại cho người báo tin. Vì thế, bọn trẻ lớn lên trong nhà ông bà của chúng. Tiểu Lộ Tử còn nhỏ tuổi, nên Đại Lộ Tử thường cùng với ông mình đi đến nghe đức Phật thuyết Pháp. Và bởi thường xuyên nghe Pháp từ kim khẩu của đức Thế Tôn nên cậu khát khao được xuất gia sống đời Tỳ-kheo. Thế rồi cậu nói với ông mình:

– Thưa ông, cháu muốn gia nhập vào Tăng đoàn, xin ông cho phép cháu được thực hiện ý nguyện này.

Ông lão nói:

– Này cháu, cháu nói gì vậy? Nhìn thấy cháu xuất gia, điều đó làm cho ông hoan hỷ còn hơn nhìn thấy cả thế gian này xuất gia. Cháu cứ xuất gia làm Tỳ-kheo nếu cháu thấy muốn.

Rồi ông lão đưa cậu đến gặp đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn hỏi:

– Trưởng giả, ông mang đứa bé nào theo vậy?

– Bạch Thế Tôn, đây là cháu của con, cháu muốn gia nhập Tăng đoàn.

Rồi đức Thế Tôn cho gọi một vị Trưởng lão đến, bảo thầy cho cậu bé này xuất gia. Trưởng lão thực hiện nghi thức xuất gia cho cậu và nhắc lại sự vô thường của thân người. Khi cậu bé đến tuổi trưởng thành và đã học thuộc nhiều lời Phật dạy thì được cho thọ giới cụ túc Tỳ-kheo. Bấy giờ, nhờ tinh tấn và nhiệt tâm tu tập, Đại Lộ Tử chứng được Thánh quả A-la-hán. Và khi trải qua đời sống hàng ngày trong niềm hỷ lạc của Đạo và Quả, thầy nghĩ là nên truyền trao nguồn hỷ lạc đó cho Tiểu Lộ Tử. Vì thế, thầy đến gặp vị Trưởng giả, là ông của mình và nói:

– Thưa Đại Trưởng già, nếu Trưởng giả cho phép, tôi sẽ làm lễ xuất gia cho Tiểu Lộ Tử.

– Thưa Tôn giả, xin hãy làm như vậy. Trưởng giả trả lời.

Sau đó, Tôn giả làm lễ xuất gia cho Tiểu Lộ Tử và cho thọ mười giới Sa-di. Nhưng Tiểu Lộ Tử tỏ ra là một người đần độn, trong bốn tháng vẫn không thể học thuộc được bài kệ duy nhất này:

Như sen thơm ngát lúc rạng đông

Nở rộ trọn ngày, ngát hương nồng

Nhìn thấy Phật quang đang toả sáng

Giống như mặt trời chiếu hư không.

Chuyện kể rằng, vào thời đức Phật Ca Diếp (Kassapa) xuất thế, Tiểu Lộ Tử này sau khi xuất gia, có đủ trí tuệ, đã cười khinh một Tỳ-kheo chậm trí đang gắng học thuộc lòng một đoạn kinh. Tỳ-kheo ấy hổ thẹn vì bị cười chê nên không thể nhớ và đọc lên đoạn kinh đó. Và kết quả bây giờ, khi gia nhập vào Tăng đoàn, Tiểu Lộ Tử trở thành kẻ đần độn. Khi học một dòng mới, thầy lại quên đi dòng trước đó, và mặc dù bốn tháng trôi qua thầy vẫn còn đang vật lộn với bài kệ duy nhất này. Anh của thầy nói với thầy:

– Lộ Tử, em không đủ sức để tiếp nhận giáo pháp này. Trong suốt bốn tháng trời, em vẫn không thể học thuộc được một bài kệ duy nhất, thế thì làm sao có có thể thực hiện được mục đích tối thượng của người xuất gia? Thôi, em hãy rời khỏi tinh xa đi.

Mặc dù bị anh mình xua đuổi như vậy, nhưng Tiểu Lộ Tử do quá thiết tha với giáo pháp của đức Phật nên không muốn hoàn tục.

Bấy giờ, Đại Lộ Tử là vị tri sự của tinh xá. Một hôm, Kỳ-bà (Jivaka Komārabhacca) mang nhiều phẩm vật gồm nước hương và vòng hoa đến vườn xoài của mình để cúng dường cho đức Thế Tôn. Sau khi cúng dường và nghe pháp xong, ông đứng dậy đảnh lễ đức Thế Tôn, rồi đi đến Đại Lộ Tử và hỏi:

– Thưa Tôn giả, có bao nhiêu Tỳ-kheo ở với đức Thế Tôn?

– Thưa cư sĩ, có năm trăm thầy.

– Ngày mai, nhờ Tôn giả thỉnh đức Thế Tôn cùng năm trăm Tỳ-kheo đến nhà con thọ trai.

– Thưa cư sĩ, trong các Tỳ-kheo, có một người tên là Tiểu Lộ Tử, một người ngu đần và không có tiến bộ trong Giáo pháp. Tôi chấp nhận lời thỉnh mời tất cả, ngoại trừ vị này.

Nghe vậy, Tiểu Lộ Tử nghĩ: “Tôn giả nhận lời mời đối với tất cả các Tỳ-kheo nhưng cố loại trừ ta ra. Việc làm này chứng tỏ rằng tình thương của anh ấy dành cho ta đã chết. Vậy ta còn sống làm gì với Giáo pháp này nữa? Thôi, ta sẽ hoàn tục và sống đời cư sĩ tại gia, thực hành bố thí và làm những việc thiện khác.”

Sáng sớm ngày hôm sau, thầy ra về, quyết định hoàn tục sống đời cư sĩ trở lại.

Bấy giờ, vào lúc rạng đông, khi đang quán sát khắp thế gian, đức Thế Tôn nhận biết được sự việc này. Rồi ra đi còn sớm hơn cả Tiểu Lộ Tử, Ngài bước lui bước tới gần nơi hành lang con đường mà Tiểu Lộ Tử sẽ đi. Tiểu Lộ Tử ra khỏi nhà, trông thấy đức Thế Tôn, đảnh lễ và đi đến gần Ngài. Đức Thế Tôn hỏi:

– Tiểu Lộ Tử, thầy đi đâu vào giờ này?

– Bạch Thế Tôn, anh con đã đuổi con ra khỏi Tăng đoàn, nên con đang định trở về.

– Tiểu Lộ Tử, chính con đã phát nguyện xuất gia ở nơi ta, vậy sao con không đến gặp ta khi anh của con đuổi? Con cứ ở lại đây với ta.

Nói vậy xong, đức Thế Tôn đưa Tiểu Lộ Tử đi và cho thầy ngồi trước hương thất của mình. Rồi đưa cho thầy một tấm vải sạch mà Ngài đã tạo ra bằng năng lực thần thông, đức Thế Tôn nói:

– Này Tiểu Lộ Tử, con hãy hướng mặt về phương đông, cầm mảnh vải này và đọc lên những lời sau: “Tẩy trừ bất tịnh, tẩy trừ bất tịnh.”

Sau đó vào giờ đã định, đức Thế Tôn cùng với các Tỳ-kheo đi đến nhà Kỳ-bà và ngồi xuống nơi được thiết sẵn cho mình. Bấy giờ, Tiểu Lộ Tử nhìn chăm chăm vào mặt trời, ngồi cầm lấy tấm vải và đọc lên những lời sau: “Tẩy trừ bất tịnh, tẩy trừ bất tịnh.” Và vì cứ nắm mãi tấm vải như vậy, nên đã khiến cho nó trở nên dơ bẫn. Thế rồi thầy nghĩ: “Mới vừa rồi tấm vải này còn hoàn toàn sạch sẽ. Nhưng nay vì bản thân ta, nó đã phá huỷ tình trạng ban đầu của nó và trở thành một tấm vải dơ bẩn. Tất cả các pháp hữu vi thật sự vô thường!” Và khi quán thấy được sự hoại diệt, thầy đạt được trí tuệ A-la-hán. Biết tâm của Tiểu Lộ Tử đã đạt được Quán sát trí, đức Thế Tôn phóng quang minh đến, khiến cho thầy nghĩ rằng Ngài đang ngồi ở trước mặt. Rồi Thế Tôn nói:

– Này Tiểu Lộ Tử, con đừng nghĩ rằng chỉ mảnh vải này trở thành dơ bẩn và biến màu bởi vì bụi, mà bên trong tâm con cũng có đủ những thứ bụi của tham và những điều xấu khác. Hãy tẩy trừ chúng.

Rồi Ngài đọc lên những bài kệ này:

Bất tịnh là tham, không phải uế

Tham là bất tịnh, gọi tên đây

Này các Tỳ-kheo hãy tinh tấn

Sống trong giáo pháp thanh tịnh này.



Bất tịnh là sân, không phải uế

Sân là bất tịnh, gọi tên đây

Này các Tỳ-kheo hãy tinh tấn

Sống trong giáo pháp thanh tịnh này



Bất tịnh là si, không phải uế

Si là bất tịnh, gọi tên đây

Này các Tỳ-kheo hãy tinh tấn

Sống trong giáo pháp thanh tịnh này.

Kết thúc các bài kệ, Tiểu Lộ Tử chứng được Thánh quả A-la-hán cùng với Tứ vô ngại biện (Tứ vô ngại biện là: 1, hiểu nghĩa kinh; 2, hiểu như thật; 3, khả năng biện minh hợp lý và đúng ngữ pháp…; và 4, khả năng trình bày trước công chúng.) Nhờ đấy, thầy lập tức thông đạt được Tam tạng giáo điển.

Truyền thuyết kể rằng, vào đời quá khứ, khi Tiểu Lộ Tử là một vị vua và đang thực hiện một cuộc diễu hành long trong quanh kinh thành, ông đã lau mồ hôi trên trán mình bằng một chiếc áo sạch mà ông đang mặc, và chiếc áo bị làm dơ bẩn. Vua nghĩ: “Chính thân thể của ta đây đã huỷ hoại màu trắng thuần khiết ban đầu của tấm vải và làm cho nó bị dơ bẩn. Các pháp hữu vi thật sự vô thường.” Như vậy, vua đã thấu hiểu được khái niệm vô thường. Và nhờ nhân duyên đó, vua đã trừ bỏ các duyên bất tịnh.

Trong khi ấy, Kỳ-bà dâng nước cúng dường lên đức Thế Tôn. đức Thế Tôn đặt tay lên chậu và nói:

– Này Kỳ-bà, còn có Tỳ-kheo nào ở trong tinh xá không?

Đại Lộ Tử thưa:

–Bạch Thế Tôn, không còn Tỳ-kheo nào ở đó cả.

Nhưng Thế Tôn nói:

– Này Kỳ-bà, có đấy.

Kỳ-bà nói với một người hầu:

– Đi ngay đến xem, coi có Tỳ-kheo nào còn ở trong tinh xá không?

Bấy giờ, khi Tiểu Lộ Tử biết rằng anh của mình tuyên bố không có Tỳ-kheo nào ở trong tinh xá, đã quyết định tỏ rõ cho người anh biết rằng còn có nhiều Tỳ-kheo ở đó. Vì thế, Thầy đã làm cho khắp cả vườn xoài đầy các Tỳ-kheo. Một số Tỳ-kheo đang may y, một số khác đang nhuộm, trong khi một số khác lại đang tụng kinh. Tiểu lộ Tử biến hoá ra một ngàn Tỳ-kheo, không ai giống ai. Nhìn thấy hội chúng các Tỳ-kheo ở trong tinh xá, người hầu của Kỳ-bà quay trở lại và thưa rằng khắp khu vườn đầy các Tỳ-kheo.

Còn về phần Tôn giả Tiểu Lộ Tử ở trong tinh xá:

Lộ Tử hoá thành ngàn Lộ Tử

Ngồi trong khu rừng, chờ được gọi.

Đức Thế Tôn nói với người hầu của Kỳ-bà:

– Bây giờ ông hãy quay trở lại tinh xá và nói: đức Thế Tôn cho gọi người có tên là Tiểu Lộ Tử đến.

Nhưng khi vị kia đi đến và nói lại lời nhắn, thì một ngàn Tỳ-kheo đồng nói to trả lời:

– Tôi là Tiểu Lộ Tử đây! Tôi là Tiểu Lộ Tử đây!

Vị này quay trở lại và tường thuật:

– Tất cả họ đều nói rằng họ là Tiểu Lộ Tử.

Đức Thế Tôn nói:

– Bây giờ hãy trở lại và nắm lấy tay người đầu tiền trong họ nói: “Tôi là Tiểu Lộ Tử” thì tất cả những người khác sẽ biến mất.

Vị kia đã làm như được bảo, và một ngàn Tỳ-kheo lập tức biến mất. Tôn giả Tiểu Lộ Tử cùng với vị kia trở lại chỗ Thế Tôn.

Thọ trai xong, đức Thế Tôn nói:

– Kỳ-bà, hãy mang bình bát của Tiểu Lộ Tử. Thầy ấy sẽ cám ơn ông đấy.

Kỳ-bà đã làm như vậy. Rồi như một con sư tử khỏe rống tiếng sư tử, Tôn giả đã gói trọn toàn bộ tam tạng kinh điển trong lời hồi hướng của mình. Sau đó, đức Thế Tôn đứng dậy khỏi chỗ ngồi và cùng với Tăng chúng vây quanh quay trở lại tịnh xá. Ở đấy, sau khi các Tỳ-kheo làm xong những bổn phận của họ, đức Thế Tôn đứng trước hương thất của mình, thuyết giáo cho chúng Tỳ-kheo. Sau khi kết thúc chủ đề trình bày về thiền định và giải tán hội chúng, đức Thế Tôn trở về hương thất của mình, nằm nghiêng người về bên phải để nghỉ ngơi, dáng nằm giống như sư tử nằm.

Bấy giờ, chư Tỳ-kheo từ nhiều nơi tập trung lại trong Chánh pháp đường. Khi họ ngồi ở đấy, như thể họ đang căng một tấm màn bằng vải vàng. Rồi họ bắt đầu tán thán đức Thế Tôn:

– Thưa các Tỳ-kheo, Đại Lộ Tử đã không nhận ra được khả năng của Tiểu Lộ Tử nên đuổi thầy này ra khỏi tinh xá, nghĩ thầy này là một kẻ đần độn, trong bốn tháng không thể học nổi dầu chỉ một bài kệ. Nhưng đức Phật Toàn Trí, với đức tánh vô thượng Pháp vương, dù chỉ trong thời gian một bữa ăn, đã kiến lập cho thầy này chứng được thánh quả A-la-hán với đầy đủ trí tuệ siêu việt. Và nhờ trí tuệ đó, thầy này đã thông đạt được tam tạng kinh điển. Ôi! Năng lực của đức Phật thật lớn lao làm sao!

Bấy giờ, đức Thế Tôn biết rõ cuộc bàn luận đang xảy ra trong Chánh pháp đường và nghĩ sẽ đi đến đấy để gặp họ. Vì thế, đứng dậy khỏi chỗ ngồi, nhanh nhẹn mặc hai chiếc hạ y màu vàng cam, khoác thượng y của một vị Phật vào, đức Thế Tôn đi đến Chánh pháp đường với hảo tướng vô lượng của một đức Phật, đi với dáng đi của của một tượng vương đầy đủ dũng khí. Rồi bước lên Phật tọa huy hoàng được đặt ở giữa Pháp đường trang nghiêm, Ngài ngồi lên giữa pháp tọa, phóng ra những tia sáng sáu sắc biểu thị cho một vị Phật, giống như mặt trời mới mọc từ trên đỉnh núi Kiền-đà-la (Yungandhara), soi sáng đến tận đáy đại dương.

Khi bậc Toàn Trí vừa bước vào Chánh pháp đường, chư Tỳ-kheo ngưng bàn luận và giữ im lặng. Nhìn quanh hội chúng với lòng từ bi, đức Thế Tôn nghĩ: “Hội chúng này thật hoàn hảo! Không có một ai cử động tay chân, không nghe thấy một âm thanh, một tiếng ho, hay một cái hắt hơi nào! Vì kính trọng ta, nên không có người nào dám nói trước mặt ta, dù ta ngồi im lặng ở đây suốt cả cuộc đời. Nhưng đây chính là lúc ta phải bắt đầu phần việc của mình, ta sẽ nói trước.” Rồi bằng giọng nói từ ái nhu hòa, Ngài nói với các Tỳ-kheo:

– Này các Tỳ-kheo, các thầy bàn về chủ đề gì khi hội họp lại đây? Và các thầy vừa ngừng lại đề tài nói chuyện gì?

Họ thưa:

– Bạch Thế Tôn, đây không phải là một đề tài vô bổ. Chúng con hội họp nơi đây để tán thán Thế Tôn.

Và khi nghe họ tuần tự thuật lại những gì họ đã bàn luận, đức Thế Tôn nói:

– Này các Tỳ-kheo, không phải chỉ bây giờ, Tiểu Lộ Tử nhờ ta mà thành tựu được những điều vi diệu ở trong Chánh pháp. Chính vào đời quá khứ, cũng nhờ ta mà Tiểu Lộ Tử đã thành tựu được những điều vi diệu.

Chư Tỳ-kheo thỉnh cầu đức Thế Tôn giảng giải điều đó, và đức Thế Tôn đã giảng giải rõ ràng điều mà do vì tái sanh họ không nhìn thấy.

* * *

Thuở xưa, khi Phạm Dự (Brahmadatta) trị vì thành Ba-la-nại (Benares) thuộc vương quốc Ca-thi (Kāsi), Bồ-tát thọ sanh vào gia đình một vị Tài quan (quan coi giữ tiền bạc). Đến tuổi trưởng thành, Ngài trở thành một vị Tài quan, và được gọi là Tiểu Tài quan. Ngài là một người hiền minh và lanh lợi, có cái nhìn tinh tường sáng suốt.

Một hôm, trên đường đi đến chầu vua, Ngài gặp một con chuột chết nằm ở trên đường. Vào lúc đó, Ngài chiêm tinh và nói:

– Nếu một thiện nam tử nào có trí, chỉ cần nhặt con chuột đó lên, thì vị ấy có thể xây dựng được cơ nghiệp và cưới được một người vợ.

Một thiện nam tử nghèo túng, nghe lỏm được lời nói của Ngài, suy nghĩ: “Người này luôn nói điều chân thật.” Vì thế, chàng trai đã nhặt con chuột lên và bán được một xu cho một cửa tiệm mua cho mèo ăn. Với xu bạc đó, chàng mua mật đường và mang theo nước uống đựng trong bình. Khi gặp những người hái hoa từ rừng trở về, chàng cho mỗi người một ít mật đường và múc một gáo nước cho họ. Mỗi người cho chàng một nắm hoa. Rồi với tiền thu được từ số hoa đó, ngày hôm sau, chàng mua nhiều mật đường hơn và mang một chậu nước đi đến vườn hoa. Hôm đó, những người hái hoa, trước khi ra về, đã cho chàng những cây hoa đã hái còn sót lại một nửa. Và như vậy, không bao lâu sau, chàng kiếm được mười xu.

Sau đó, vào một ngày mưa gió, gió đã thổi gãy một số cành nhánh và lá cây trong ngự viên, nhưng người làm vườn không biết cách dọn sạch chúng. Thế rồi, chàng thanh niên này đi đến nói với người làm vườn là chàng sẽ di dời đống nhành lá gãy đó, với điều kiện đống nhành lá đó sẽ thuộc về chàng. Sau đó, người học trò tài trí của Tiểu Tài quan đi đến sân chơi của lũ trẻ và cho chúng mật đường, nhờ chúng gom giúp đống nhành lá. Thế là trong chốc lát, bọn trẻ đã thu gom nhành lá, chất đống lại một nơi ở lối vào ngự viên. Bấy giờ, người thợ gốm của nhà vua đang đi tìm kiếm nhiên liệu để nung chén bát cho hoàng cung. Nhìn thấy đống cành lá này, ông mua hết cả đống và tự tay chuyển đi. Số củi bán được mang lại cho người học trò của Tiểu Tài quan mười sáu đồng, cùng với năm cái bát và những bình chậu khác. Bấy giờ, sau khi được hai mươi bốn đồng tất cả, chàng trai nghĩ ra một kế hoạch. Chàng mang một chậu nước đầy đi đến vùng cận cổng thành và cung cấp nước uống cho năm trăm người gặt lúa. Những người này nói:

– Này bạn, bạn đã đối xử với chúng tôi rất tốt. Ban muốn chúng tôi làm gì cho bạn đây?

– À, khi nào tôi cần, tôi sẽ nói cho các vị biết. Anh ta nói.

Rồi khi đi đây đó, chàng trai làm quen với một người buôn bán trên bộ và một người buôn bán trên biển. Người buôn bán trên bộ nói với chàng:

– Ngày mai sẽ có một người buôn ngựa đem năm trăm con ngựa đến thành phố bán.

Nghe tin này, chàng trai nói với những người thợ gặt:

– Hôm nay, tôi muốn các vị mỗi người cho tôi một bó cỏ, và các vị không được bán cỏ của mình cho đến khi nào cỏ của tôi đã được bán xong.

Họ chấp nhận và giao năm trăm bó cỏ tận nhà chàng trai. Không thể kiếm được cỏ cho đàn ngựa của mình trong thành phố, người buôn ngựa mua hết số cỏ của người thanh niên với giá một ngàn đồng.

Một vài ngày sau, người bạn buôn bán trên biển báo tin cho chàng biết là có một chiếc tàu lớn sắp cập cảng. Nghe vậy, chàng trai lập một kế hoạch khác. Chàng thuê một cỗ xe được trang bị tốt với giá tám xu, xe cho thuê theo giờ. Rồi với dáng vẻ cao quý, chàng trai đi xuống cảng. Sau khi mua nợ chiếc tàu và ký thác chiếc nhẫn có dấu của mình làm vật bảo chứng, chàng trai cho dựng một trại lều gần đó và nói với những người làm công của mình:

– Khi những thương nhân được đưa vào, hãy để họ vào gặp ta thông qua ba người dẫn đường kế tiếp nhau.

Nghe rằng một chiếc tàu đã đến cảng, khoảng một trăm thương nhân đổ xuống mua hàng hoá, nhưng người ta nói với họ rằng họ không thể mua được khi mà một đại thương nhân đã trả tiền rồi. Nghe thế, họ đi đến gặp chàng trai. Và như đã được sắp đặt, người hầu giới thiệu họ đến gặp chàng trai thông qua ba người dẫn đường kế tiếp nhau. Một trăm người lái buôn, mỗi người đưa cho chàng một ngàn đồng tiền để mua một phần trên tàu và sau đó mỗi người đưa thêm một ngàn nữa để mua hết cả thảy. Thế rồi với hai trăm ngàn đồng tiền đó, chàng học trò của Tiểu Tài quan đã quay trở lại Ba-la-nại.

Mong muốn bày tỏ lòng tri ân với Tiểu Tài quan, chàng trai đem một trăm ngàn đồng tiền đi đến thăm Ngài.

– Làm cách nào anh kiếm được số tiền này? Tiểu Tài quan hỏi.

– Trong vòng chưa đầy bốn tháng, chỉ đơn giản nhờ làm theo lời khuyên của Ngài mà con đã có được số tiền này.

Thanh niên trả lời và kể cho Ngài nghe toàn bộ câu chuyện, bắt đầu với con chuột chết. Khi nghe sự việc này, Tiểu Tài quan nghĩ: “Ta chắc chắn đã gặp được một chàng trai có tài, không thể để người này rơi vào tay kẻ khác được.” Vì thế, Ngài gả cô con gái đến tuổi trưởng thành của mình cho chàng trai và giao tất cả tài sản của gia đình cho chàng. Rồi khi Tiểu Tài Quan qua đời và thọ sanh theo hành nghiệp của mình, chàng trai này trở thành vị Tài quan của kinh thành đó.

* * *

Kết thúc pháp thoại này, đức Phật Chánh Đẳng Giác, bậc Nhất Thiết Trí đã đọc lên bài kệ:

Người thông minh, tài năng

Dầu với số vốn nhỏ

Sẽ trở thành giàu có

Như thổi đốm lửa đỏ

Đức Thế Tôn nói thêm:

– Này các Tỳ-kheo, chính nhờ ta mà Tiểu Lộ Tử bây giờ đạt được những điều vi diệu trong Giáo pháp, cũng như trong đời quá khứ đã nhờ ta mà đạt được sự giàu có lớn.

Kết thúc pháp thoại, đưc Thế Tôn nêu lên mối liên hệ của hai câu chuyện và đã nhận diện Tiền thân:

– Vào thuở đó, Tiểu Lộ Tử là người học trò của Tiểu Tài quan, còn ta chính là Tiểu Tài quan hiền trí.
haquangto
haquangto
Admin

Tổng số bài gửi : 206
cảm ơn : 0
Join date : 13/12/2009
Age : 34
Đến từ : canh long tu

https://gdptcanhlong.forum-viet.net

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang


 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết